Giải pháp phát triển nghề trồng nho bền vững

(NTO) Tỉnh ta có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho sinh trưởng và phát triển cây nho. Hiện tại, diện tích nho trên địa bàn toàn tỉnh có 1.294 ha, giá trị sản xuất hằng năm đạt 19 - 21% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Xác định đây là loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, thời gian qua tỉnh chú trọng đầu tư để nâng cao vị thế của loài cây này.

Nổi bật là tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá các vùng thổ nhưỡng thích hợp để mở rộng diện tích nho trong thời gian tới. Theo đó, diện tích có khả năng trồng nho trên toàn tỉnh gần 7.100 ha; trong đó, 4.000 ha chủ động nước tưới thuận lợi cho xây dựng vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong cả nước và xuất khẩu. Để hướng nghề trồng nho phát triển bền vững, tỉnh hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn, quy mô 2.553 ha; trong đó, Ninh Phước 1.716,6 ha, Ninh Hải 230,5 ha, Thuận Nam 252,3 ha, Ninh Sơn 142,3 ha, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 211,5 ha. Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục lập phương án khả thi bổ sung quy hoạch 250 ha sản xuất nho rượu ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn và Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đáp ứng nhu cầu nguyên liệu vang của Công ty Ladorafarm Ninh Thuận. Công tác đầu tư nghiên cứu giống nho cũng được chú trọng. Hiện có giống nho xanh NH01- 48 là kết quả nghiên cứu lai tạo của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố được đưa vào trồng phổ biến, năng suất và chất lượng vượt trội, có khả năng thay thế những giống nho cũ đã thoái hóa.

 
Nông dân Ninh Hải làm giàu từ  trồng nho ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: A.T

Nghề trồng nho đang dần phát triển lên tầm cao mới khi ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử, Công ty Ladorafarm Ninh Thuận đã xây dựng thành công Trang trại nho rượu quy mô 15 ha ở thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) biến vùng đất bán sơn địa khô cằn trở nên trù phú. Công ty cũng đang tiến hành khảo nghiệm một số giống nho rượu nhập nội để tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày một lớn của Nhà máy Rượu vang. Mối liên kết trong sản xuất nho được đánh giá mang tầm quốc tế mới được thiết lập gần đây giữa tỉnh ta với vùng Tuscany - Italy mở ra triển vọng tươi sáng trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trồng nho và chế biến rượu vang nho hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Nhìn chung, về cơ bản, đầu tư vào sản xuất nho được tỉnh quan tâm chú trọng, trong đó việc ban hành các chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân, xây dựng hạ tầng vùng trồng, chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hiện đại tạo sản phẩm có chất lượng đã nâng thương hiệu nho Ninh Thuận lên tầm cao mới. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 3 vùng trồng nho tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với 100 ha kết hợp khu vực sơ chế ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích nho đạt trên 2.500 ha; tiếp tục mở rộng quy hoạch sản xuất nho an toàn thông qua các giải pháp hỗ trợ sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích cho mọi thành phần tham gia trong chuỗi giá trị nho và các sản phẩm sau nho. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về khai thác tối đa lợi thế để phát triển cây nho, một số địa phương trong tỉnh đã nỗ lực giúp nông dân áp dụng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đơn cử, huyện Ninh Hải đưa giống nho xanh trồng tập trung quy mô 70 ha ở xã Xuân Hải cho năng suất và chất lượng cao; đồng thời, nhân rộng mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch vườn cây trái ở xã Vĩnh Hải đã nâng nghề trồng nho lên tầm cao mới.

 
Sản phẩm nho tươi được nhiều du khách chọn mua tại Trang trại Nho Ba Mọi. Ảnh: Thanh Long

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng, để phát triển nghề trồng nho bền vững, vấn đề quan trọng cần giải quyết đầu tiên là nước tưới, nhằm “mở đường” cho chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu. Tỉnh ta có khí khậu khô hạn, việc nghiên cứu sử dụng nguồn nước tưới phục vụ nghề trồng nho không phải bây giờ mới tính, mà trước đây tỉnh cũng đã quan tâm thông qua chương trình hỗ trợ nông dân triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước từ vài ha ban đầu đến nay nhân rộng lên 281 ha. Đánh giá sơ bộ ban đầu, mô hình tiết kiệm được 30% nước tưới, 20% phân bón, đặc biệt giảm công lao động, từ đó nâng cao lợi nhuận lên 1,5 lần so với phương pháp tưới tràn. Tuy vậy, hạn chế của hệ thống tưới nhỏ giọt tầm thấp nông dân đang sử dụng hiện nay là thường bị tắc nghẽn, lượng nước tưới không đáp ứng đủ nhu cầu hấp thụ của cây nho ở giai đoạn trổ bông, kết trái, khiến cho mô hình nhân rộng chậm. Khắc phục hạn chế, trung tuần tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo đưa ra giải pháp tối ưu đó là thúc đẩy ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước áp dụng riêng cho cây nho. Động thái tích cực này, góp phần giải quyết khó khăn về nước tưới, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thuận lợi để nghề trồng nho hướng tới phát triển bền vững.