Vụ cá nam nhìn từ khâu tiêu thụ hải sản

(NTO) Anh Lê Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, trong một dịp trao đổi với chúng tôi có giải thích rằng do năm nhuần (có hai tháng 6 Âm lịch) nên mùa Nam lần này kéo dài thêm 1 tháng và theo kinh nghiệm của các lão ngư, năm nay nghề cá sẽ được mùa. Dự báo trên đã thành sự thật khi trong 2 tháng qua, ngư dân trong tỉnh liên tục trúng đậm hải sản các loại.

Những ngày giữa tháng 8, tìm hiểu tại các xã ven biển, chúng tôi được biết nhờ tình hình thời tiết và ngư trường rất thuận lợi, ngư dân tỉnh ta đã tiếp tục bám biển đẩy mạnh hoạt động khai thác vụ cá Nam. Tuy không liên tục bằng tháng 7 vừa qua, nhưng cá nổi vẫn còn xuất hiện dày nên trong 2 tuần đầu tháng 8, ngư dân đánh bắt ước đạt 3.400 tấn hải sản các loại. Tính chung từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác toàn tỉnh ước đạt 63.459,5 tấn hải sản các loại, đạt 74,60% kế hoạch năm, tăng 10,85% so với cùng kỳ năm 2016. Các nghề khai thác đạt hiệu quả: Lưới rê, lưới vây, mành, lưới kéo và pha xúc. Hải sản khai thác được bao gồm: Cá cơm, cá nục các loại, cá lồ ồ, cá chù, cá ngừ sọc dưa, mực ống, mực nang các loại và một số loài hải sản có giá trị khác; trong đó chiếm 70% là cá cơm. Nhìn trong cơ cấu sản phẩm, có thể thấy cá cơm vẫn là hải sản được khai thác nhiều nhất và do đó có ảnh hưởng lớn đến khâu tiêu thụ.

Mùa đánh bắt cá vụ Nam của ngư dân thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc

Trúng mùa, được giá, phần lớn hải sản đánh bắt được tiêu thụ nhanh tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên riêng cá cơm, cá nục, đa số bán ngay trên biển cho các tàu dịch vụ thủy sản và tại các cảng cá, bến cá tỉnh ngoài như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Chính trong khâu tiêu thụ này (chủ yếu là cá cơm) cho thấy có điểm nghịch lý đáng quan tâm. Trong khi giá bán cá cơm trong tỉnh 15.000-22.000 đồng/kg nhưng vì đang ở vùng biển xa, nếu vận chuyển về vừa hao tốn nhiên liệu, vừa mất thời cơ khai thác, các tàu đánh cá tỉnh ta đành chấp nhận bán giá 8.000-12.000 đồng/kg tại chỗ. Anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản-Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Dù có sự liên kết giữa khâu khai thác, tiêu thụ nhưng các tàu dịch vụ hậu cần của tỉnh chỉ có thể thu mua một phần, ngay tàu dịch vụ của các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển cũng chỉ thu mua, vận chuyển về bến, cảng gần nhất.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thời điểm này, trong tổng số 2.775 tàu cá tỉnh ta (tổng công suất 334.057 CV), đã có khoảng 90% tham gia hoạt động khai thác trên các vùng biển. Do ngư trường từ đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Phú Quốc (Kiên Giang) xuất hiện cá cơm tương đối nhiều nên thu hút rất nhiều tàu đánh bắt tỉnh ta. Tính đến giữa tháng 8, tại vùng biển này đang có 400 tàu cá tỉnh ta tham gia khai thác, riêng trên vùng biển đảo Phú Quốc có hơn 200 tàu nghề pha xúc, lưới vây của 2 xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam). Ngoài ra còn có 100 tàu cá khác đánh bắt trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận). Với số lượng tàu trên, tính ra sẽ có sản lượng lớn cá cơm do tàu cá tỉnh nhà khai thác được tiêu thụ ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Xuân, ngư dân xã Cà Ná, có 2 tàu (loại công suất 400 CV/chiếc) đang hoạt động ở Phú Quốc và 1 chiếc 110 CV đánh bắt tại Côn Sơn chia sẻ: Cả 3 tàu của tôi đều hành nghề pha xúc, mỗi đêm khai thác đạt từ 3-5 tấn cá cơm và đều tiêu thụ tại chỗ. Do ở xa nên dù biết nghề làm nước mắm và chế biến cá cơm hấp của địa phương có nhu cầu và mua giá cao nhưng chúng tôi vẫn không thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, không phải tất cả tàu cá đi xa đều bán tại chỗ, đối với vùng biển gần tỉnh ta như Bình Thuận, ngoài bán tại chỗ vẫn có một số tàu đánh bắt và các tàu dịch vụ thu mua cá cơm vận chuyển về cảng cá, bến cá trong tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cộng tác viên Chi cục Thủy sản tỉnh ở xã Cà Ná cho hay: Có khoảng 30-40% cá cơm đánh bắt ở vùng biển Bình Thuận được chở về bán cho các cơ sở chế biến nước mắm ở Cà Ná. Điều đáng nói là để không lãng phí nguồn cá cơm do tàu cá tỉnh nhà khai thác, hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá địa phương đã có sự chuyển dịch linh hoạt trong khâu thu mua. Theo anh Lê Hồng Phong, hiện nay ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và một số tỉnh phía Nam đều có cơ sở thu mua, hấp cá, muối chượp của người dân Cà Ná, Phước Diêm xây dựng. Cá cơm đánh bắt được đã có tàu dịch vụ thu mua cá, vận chuyển vào bờ bán lại nên các cơ sở vẫn có nguồn cá cơm làm nguyên liệu vận chuyển về tỉnh nhà phục vụ chế biến.

Cách tự làm dịch vụ hậu cần, chủ động tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở chế biến nước mắm, cá cơm hấp trong vụ cá Nam cho thấy xu hướng phát triển năng động của kinh tế biển. Qua đó không chỉ giúp các tàu cá kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, mà còn giảm thất thoát sau thu hoạch. Tin rằng từ cách làm trên, sẽ tạo thêm động lực mới cho nghề cá phát triển, góp phần hoàn thành chỉ tiêu khai thác 85.070 tấn hải sản của toàn tỉnh trong năm nay.