Tỉnh ta có thế mạnh phát triển nghề khai thác hải sản nhờ ngư trường rộng, hạ tầng phục vụ đánh bắt khá đồng bộ. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 2.770 tàu thuyền các loại, với tổng công suất 329.254 CV. Hoạt động khai thác hải sản gần đây chuyển biến tích cực, nhất là từ khi triển khai thực hiện Quyết định 48. Xác định đây là chính sách quan trọng mang tầm chiến lược của Chính phủ, sau khi Quyết định có hiệu lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh vận dụng linh hoạt, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của từng địa phương, giúp ngư dân sớm tiếp nhận được các nội dung ưu đãi. Theo Quyết định 48, tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến tàu công suất 90 CV-150CV hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150-250 CV hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250 - 400 CV hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400 CV - 700CV hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700 CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng. Để đảm bảo thực hiện chính sách đúng đối tượng được hưởng lợi, ngành chức năng thường xuyên theo dõi, vận hành trạm bờ của hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS tạo thuận lợi cho ngư dân trong việc xác định vị trí tàu cá làm cơ sở xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Qua đó, đến nay UBND tỉnh đã hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 569 chuyến biển, với tổng số tiền 35,638 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho 62 trường hợp, trị giá 1,736 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 56 trường hợp, kinh phí gần 300 triệu đồng; mua bảo hiểm tai nạn cho 451 thuyền viên, kinh phí hơn 40 triệu đồng.
Ngư dân Ninh Hải đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn ra đánh bắt khơi xa. Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Quyết định 48 như luồng gió mới thúc đẩy sự vươn khơi khai thác, giải tỏa tâm lý thua lỗ của ngư dân trong đánh bắt xa bờ, từ đó số tàu cá đăng ký tham gia khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần trên biển xa ngày càng tăng. Tính đến giữa năm 2017, toàn tỉnh có 384 tàu cá đăng ký khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa, DK1; có 145 tổ đoàn kết, với 885 tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ; 217 tàu cá được gắn thiết bị giám sát hoạt khai thác hải sản trên vùng biển xa, trong đó có 137 tàu được gắn thiết bị VX1700 theo nội dung của Quyết định 48. Nhằm khuyến khích, vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử cán bộ chuyên môn phối hợp cùng ngư dân tổ chức 30 chuyến khảo sát thăm dò ngư trường, tham gia trực tiếp khai thác với các nghề câu, lưới rê khơi ở Trường Sa, DK1; nghề bẫy bắt cua huỳnh đế, vây rút chì, pha xúc và dịch vụ hậu cần ở ngư trường trong tỉnh và Bình Thuận. Đây là cánh làm mới, mang tính sáng tạo trong thực hiện Quyết định, thông qua mô hình cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ngư dân khai thác đúng theo ngành nghề đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó số lượng tàu đăng ký khai thác vùng biển xa ngày càng tăng. Tính đến nay, số tàu khai thác vùng biển Trường Sa tăng 30 lần so với năm 2015. Cùng với đó, hoạt động nâng cao năng lực quản lý khai thác; dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản cũng được chú trọng. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Dự án Cảng cá Cà Ná, nâng cấp Bến cá Mỹ Tân; đồng thời, tiến hành nạo vét các luồng lạch, đáp ứng nhu cầu ra vào cảng tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động khai thác và bốc dỡ hàng hóa của ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Tiểu thương thu mua hải sản tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên
Có thể nói, qua một thời gian thực hiện Quyết định 48, công tác hỗ trợ ngư dân được triển khai kịp thời đạt kết quả cao, tạo động lực thúc đẩy khai thác hải sản xa bờ, góp phần nâng cao đời sống cho ngư dân. Nhiều hộ từ chỗ đánh bắt vùng lộng hiện nay đã có phương tiện hiện đại, đủ điều kiện hoạt động dài ngày ở vùng biển Trường Sa, DK1, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh hỗ trợ về kinh phí, các thiết bị đánh bắt hiện đại, ngành chức năng còn tổ chức đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí, truyền đạt kỹ năng điều khiển tàu đánh bắt ở ngư trường xa bờ; đồng thời, hướng dẫn quy tắc xử lý cứu nạn trên biển, mở các đợt tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam 2012, Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 để ngư dân thực hiện quyền, chủ quyền quốc gia trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nhằm giúp ngư dân an tâm thực hiện khát vọng làm chủ biển khơi, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển khai thác hải sản bền vững. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 48, hướng vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi xa.
Anh Tùng