Thế giới trong tuần

1. Sự kiện nổi bật trong tuần, đó là các quan chức vùng tự trị Catalonia (Ca-ta-lô-ni-a) của Tây Ban Nha đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng cảnh sát vùng này đã "làm ngơ" trước những cảnh báo về các phần tử thuộc một mạng lưới khủng bố đứng đằng sau loạt vụ tấn công tối 17-8 trên phố đi bộ Las Ramblas (Lát Ram-blát) ở Barcelona (Bác-xê-lô-na) và khu nghỉ dưỡng Cambrills (Cam-brin) làm 15 người thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương, cũng như từ chối hợp tác với lực lượng cảnh sát quốc gia. 

Theo truyền thông Tây Ban Nha, cảnh sát vùng Catalonia đã không tham vấn Madrid về tiểu sử của Abdelbaki Es Satty (Áp-đen-ba-ki Ét Xát-ti), đối tượng được cho là chủ mưu trong loạt vụ tấn công trên, đồng thời bác bỏ bất kỳ sự trợ giúp nào liên quan đến cuộc điều tra vụ nổ tại một ngôi nhà ở Alcanar (An-ca-na) đêm 16-8, khi nhóm khủng bố chuẩn bị chất nổ để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nội vụ vùng Catalonia Joaquim Forn (Hoa-kim Phôn) đã bác bỏ những thông tin trên, cho rằng một số phương tiện truyền thông chỉ tìm cách làm mất thể diện của người khác. 

Trước đó, báo "Dernière Heure" của Bỉ đưa tin Abdelbaki Es Satty cũng bị nghi ngờ có cơ sở tại Bỉ và âm mưu tuyển dụng những đối tượng thánh chiến tại đây để phục vụ cho mục đích khủng bố. Một số vé máy bay đến Brussels mang tên Es Satty được tìm thấy trong một ngôi nhà tại Alcanar, nơi các đối tượng chế tạo vật liệu nổ. Việc tìm thấy vé máy bay cho thấy khả năng tồn tại một mạng lưới chân rết của nhóm này tại Bỉ. 

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm ngày 25-8, tái khẳng định cam kết hợp tác nhằm đối phó với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. 

Theo tin từ Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Moon Jea-in (Mun Chê-in) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) nhất trí phối hợp hành động đáp trả động thái được coi là khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm cả việc Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo gần đây, cũng như những tuyên bố về kế hoạch tấn công vùng lãnh thổ hải ngoại Guam (Goam) của Mỹ ở Thái Bình Dương. 

Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước cũng trao đổi quan điểm về việc cần gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

3. Tàu chở container  “Theodore Roosevelt” (Mỹ) với sức chứa hơn 14.800 TEU, đã trở thành con tàu siêu trọng tải lớn nhất đi qua kênh đào Panama mở rộng vào ngày 22-8 vừa qua. Với chiều dài 365,96 m và 48,25 m chiều rộng, Theodore Roosevelt lớn gấp 8 lần Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ và 4 lần Tháp đồng hồ Big Ben ở Anh. 

 Kênh đào hơn 100 năm nói trên đóng vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới giúp rút ngắn hành trình giao thông đường biển giữa hai bờ đại dương. Ngày 26-6-2016, Panama đã chính thức khai trương kênh đào Panama mở rộng với khả năng thiết kế tiếp nhận tàu dài đến 457 m, gấp 3 lần công suất trước đó. Trong thời gian vừa qua, ngoài tàu Theodore Roosevelt, còn có 7 tàu container với sức chứa xấp xỉ cũng đã đi qua kênh đào Panama một cách an toàn, thuận lợi, như tàu OOCL của Pháp với công suất 13.926 TEU.  

Dự kiến sẽ có hơn 1 triệu lượt tàu bè qua lại Kênh đào Panama mở rộng mỗi năm với khối lượng hàng hóa lên tới 600 triệu tấn, chiếm 12% lượng hàng hóa thương mại thế giới. Ban Quản lý kênh đào Panama dự báo nguồn thu từ kênh đào sẽ đạt 2,1 tỷ USD tới năm 2021.