Khoảnh khắc và Sự kiện 19-8

1. Trong nước

* Ngày 19-8-1945: Cách mạng Tháng Tám thành công tại thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 19-8-1945, hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội xuống đường tuần hành thị uy. Cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát Lớn đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm Sai, Toà thị chính thành phố, trại bảo an và các công sở quan trọng khác... Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui, rực rõ cờ hoa. Cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, đấu tranh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Đến 28-8-1945, chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. 

* Ngày 19-8-1964: Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Đây là đứa con đầu lòng của Thủy điện Việt Nam, là nhà máy thủy điện được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

Công trình có tổng công suất 108 MW, với 3 tổ máy, sản lượng bình quân 400 triệu kWh/năm.

Ngày 5-10-1971, Nhà máy đã khởi động tổ máy số 1 và hòa lưới điện quốc gia. Kể từ ngày đó dòng điện Thác Bà bắt đầu toả sáng, khẳng định là vị trí là cái nôi của ngành Thủy điện Việt Nam. Nhà máy luôn đáp ứng nhiệm vụ sản xuất điện năng theo yêu cầu của hệ thống, thực hiện nhiệm vụ điều tiết hồ chứa góp phần chống bão lũ và tưới tiêu vùng hạ du. Sản xuất điện đạt trên 16 tỷ kWh điện. 

* Ngày 19-8-2010: Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao tặng Huy chương Fields. Tại Hội nghị Toán học thế giới lần thứ 26 (ICM-26) tổ chức ở Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học của Việt Nam và thế giới, được trao tặng Huy chương Fields. Đây là phần thưởng được ví như giải “Nôben Toán học” của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) dành cho những tài năng trẻ dưới 40 tuổi. 

Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai tại châu Á, sau Nhật Bản, có công dân được nhận giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, là học sinh Việt Nam hai lần đoạt Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. 

Năm 2009, kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands của Ngô Bảo Châu được tạp chí “Time” bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm. 

2. Thế giới

* Ngày 19-8-1871: Ngày sinh Orville Wright-người chế tạo và lái máy bay đầu tiên. Sinh tại Mỹ, Orville Wright cùng với người anh trai là Wilbur được coi là cha đẻ của máy bay có động cơ.

Năm 1903, tại sân bay Kitty Hawk, Orville Wright đã bay được 12 giây với quãng đường là 36m trên chiếc máy bay 2 tầng cánh. Tuy chỉ bay được một thời gian ngắn song đây là chuyến bay có người lái, sử dụng động cơ đầu tiên trên thế giới. Cũng trong ngày hôm đó, hai anh em đã thực hiện được nhiều chuyến bay thành công. Sau đó, họ tiếp tục chế tạo ra những chiếc máy bay tốt hơn. Năm 1905, người anh là Wilbur đã bay xa tới 36 km trong nửa giờ bay.

Hai anh em Orville Wright và Wilbur đã có những đóng góp đáng kể trong việc thiết kế hệ thống điều khiển dành cho máy bay. Orville Wright qua đời ngày 30-1-1948, tại Dayton (Mỹ).

* Ngày 19-8-1889: Ngày sinh dịch giả nổi tiếng người Anh Arthur Waley. Arthur Waley sinh tại Kent (Anh). Ông là một trong những dịch giả nổi tiếng châu Á và thế giới. Trong nửa đầu thế kỷ 20, ông đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm thơ ca kinh điển của Trung Quốc, Nhật Bản cho công chúng. Trong đó, đặc sắc nhất là các tác phẩm: “170 bài thơ Trung Quốc” (170 Chinese Poems), “Thơ ca Nhật Bản: The Uta” (Japannese Poems: The Uta), “9 bài hát” (The nine songs), “Ngôi đền và bài thơ khác” (The Temple and other poems)… Những bản dịch của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ hiện đại.

Bên cạnh dịch thuật, ông còn viết nhiều về triết học phương Đông và là chuyên gia nghiên cứu về các nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của Trung Quốc như Khổng Tử, Lý Bạch. 

Ông mất ngày 27-6-1966 tại London, Anh.

Theo TTXVN