Thế giới trong tuần

1. Sự kiện nổi bật nhất trong tuần đó là Pháp, Mỹ và Anh hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong bối cảnh nhiều tuần đàm phán về các biện pháp này đang có tiến triển. 

Trong một tháng nay, Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một dự thảo nghị quyết mới của LHQ, siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên ngày 4-7. Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre (Phrăng-xoa Đơ-lát-trơ) cho biết Pháp muốn thấy một nghị quyết với “các lệnh trừng phạt bổ sung và mạnh mẽ” được thông qua trong những ngày tới. 

Theo Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft (Ma-thiêu Rai-cróp), các cuộc đàm phán đang tiến triển nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên ngừng các chương trình quân sự của mình. Ông Rycroft cũng kêu gọi HĐBA đối phó một cách nhanh chóng và mạnh mẽ bằng một gói trừng phạt mới. 

Theo quan điểm của Mỹ, cần đưa vào gói trừng phạt mới của LHQ các biện pháp như cắt nguồn cung dầu lửa của Triều Tiên, cấm người lao động Triều Tiên hoặc áp đặt các hạn chế mới đối với hàng không và hàng hải... Tuy nhiên, Nga cảnh báo bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào đều sẽ tác động đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên. 

Hiện một dự thảo nghị quyết mới vẫn chưa được chính thức trình HĐBA, tuy nhiên việc thỏa thuận giữa 5 ủy viên thường trực (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp) sẽ là cần thiết để mở đường thông qua các biện pháp trừng phạt. Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, đến nay, LHQ đã áp đặt 6 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, trong đó 2 lệnh trừng phạt hồi năm 2016 là nghiêm ngặt nhất. 

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý đó là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) đã công bố cải tổ nội các và cải tổ ban lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Đây được coi là nỗ lực của ông Abe nhằm khôi phục uy tín của chính phủ trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho chính phủ đương nhiệm sụt giảm nghiêm trọng. 

Thành phần nội các cải tổ gồm 19 thành viên, trong đó có 6 gương mặt mới và 2 nữ chính khách. Các thay đổi được đánh giá đáng chú ý lần này là các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Cùng với việc đưa những gương mặt mới vào nội các, nhằm bảo đảm sự ổn định cho việc triển khai các chính sách của chính phủ, nhiều vị trí chủ chốt được giữ nguyên, trong đó có Chánh văn phòng nội các Yosihide Suga (Y-ô-si-hi-đê Xư-ga), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso (Ta-rô A-xô), Bộ trưởng Công nghiệp, Kinh tế và Thương mại Hiroshige Seko (Hi-rô-si-gê Xê-cô), Bộ trưởng Quốc thổ, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Keiichi Ishii (Cây-i-chi I-si-i). 

Song song với việc cải tổ nội các, cùng ngày, Thủ tướng Abe cũng công bố các thay đổi trong ban lãnh đạo LDP. Tuy nhiên, khác với cải tổ nội các, hầu hết các vị trí chủ chốt trong đảng đều được giữ tại nhiệm, trong đó có Tổng thư ký Toshihiro Nikai (Tô-si-hi-rô Ni-cai) và Phó Chủ tịch Masahiko Komura (Ma-xa-hi-cô Cô-mu-ra).

Lần cải tổ nội các này là sự trở lại của nhiều gương mặt chính khách kỳ cựu, có thâm niên hoạt động tại chính trường Nhật Bản. Giới quan sát nhận định đây là chủ ý của Thủ tướng Abe lập ra một nội các dày dặn kinh nghiệm nhằm đảm bảo một chính quyền ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai chiến lược kinh tế Abenomics.

3. Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển Nông thôn, Nghề cá và Lương thực Mexico (Sagarpa) cho biết sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2016-2017 đạt 3.385.552 bao (1 bao = 60kg), tăng 30,7% so với mùa vụ trước. 

Nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát sâu bệnh, hoạt động sản xuất cà phê của Mexico (Mê-hi-cô) đã phục hồi sau ba năm bị ảnh hưởng bởi dịch nấm bệnh ở cây cà phê, với sản lượng tăng trên 20% và đạt trung bình 1,4 tấn/ha. 

Hiện tại, diện tích trồng cà phê của Mexico đạt 761.000 ha. Cà phê là một ngành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 282.000 nhà sản xuất. Mexico xuất khẩu cà phê sang 42 thị trường trên thế giới, trong đó trên 50% tổng xuất khẩu là sang Mỹ. 

Mexico là nhà sản xuất cà phê đứng thứ 5 thế giới, sau Brazil (Bra-xin), Việt Nam, Colombia (Cô-lôm-bi-a) và Indonesia (In-đô-nê-xi-a). Ngoài ra, quốc gia này cũng đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê hữu cơ và là một trong những nhà sản xuất chính cà phê “Gourmet”.