Ninh Thuận nỗ lực nâng cao chỉ số PCI

(NTO) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hằng năm là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh; đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố thông qua kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp, doanh nhân dựa trên 10 chỉ số thành phần quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Ở tỉnh ta, năm 2016 VCCI đã gửi 423 phiếu điều tra, kết quả nhận được 127 ý kiến phản hồi của doanh nghiệp (chiếm 30%), trong đó có 27 doanh nghiệp mới thành lập. Trên cơ sở phân tích, đánh giá của VCCI, kết quả trong năm , chỉ số PCI của tỉnh ta đạt 57,19 điểm, giảm 0,26 điểm và xếp hạng 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 7 bậc so với năm 2015.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI nhìn nhận: Mặc dù vẫn được xếp nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế khá, nhưng nếu so sánh 10 chỉ số thành phần với năm 2015 thì trong năm 2016, chỉ số PCI của tỉnh Ninh Thuận mới có 2 chỉ số là tính năng năng động của chính quyền tỉnh và cạnh tranh bình đẳng cải thiện được điểm số và tăng thứ hạng. Tuy nhiên, cả 2 chỉ số này đều chiếm trọng số khá thấp, ở mức 5%. Trong khi đó, vẫn còn tới 6 chỉ số giảm cả điểm số và giảm về thứ hạng, cụ thể như: Chi phí thời gian chỉ đạt đạt 6,93 điểm, giảm 0,09 điểm và tụt 1 bậc, xếp thứ hạng 20/63; gia nhập thị trường đạt 8,56 điểm, giảm 0,03 điểm và giảm 7 bậc, xếp thứ 30/63; tính minh bạch đạt 6,24 điểm, giảm 0,07 điểm, giảm 5 bậc, xếp thứ hạng 29/63; tiếp cận đất đai đạt 6,10 điểm, giảm 0,35 điểm, tụt 4 bậc, xếp thứ hạng 18/63; đào tạo lao động đạt 5,61 điểm, giảm 0,06 điểm, giảm thứ hạng 9 bậc, xếp thứ 44/63 và chỉ số thiết chế pháp lý chỉ đạt 5,64 điểm, giảm 0,59 điểm, giảm 9 bậc, xếp thứ hạng 25/63. Những chỉ số còn lại như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, dù giảm 0,05 điểm, nhưng vẫn tăng thứ hạng 1 bậc, xếp thứ 55/63 và chỉ số chi phí không chính thức dù tăng 0,05 điểm nhưng tụt thứ hạng tới 11 bậc, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các chỉ số thành phần PCI của Ninh Thuận còn diễn biến theo xu hướng không tích cực xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu: Về khách quan, trong năm 2016, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, khôi phục chậm, ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh ta đang kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai theo cam kết. Đặc biệt, trong tiếp nhận dự án đầu tư mới, tỉnh có chọn lọc kỹ hơn đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Về chủ quan, công tác tuyên truyền các hoạt động của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư chưa được các các sở, ngành quan tâm đúng mức. Trong chỉ đạo điều hành giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp có trường hợp chưa hiệu quả, còn kéo dài, nhất là vướng mắc về chồng lấn giữa các loại quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng. Sự phối hợp thực hiện chỉ số “Thiết chế pháp lý” có lúc còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động doanh nghiệp chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, có trường hợp cập nhật thông tin chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vai trò của chính quyền địa phương cấp huyện đồng hành trong hoạt động nâng cao chỉ số PCI chưa rõ nét...

Văn phòng “một cửa” UBND tỉnh tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân đến giải quyết hồ sơ. Ảnh: V.M

Với quyết tâm tạo sự đột phá để cải thiện chỉ số PCI, trong thời gian tới tỉnh ta đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức về mục đích, yêu cầu của Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu ngày càng đơn giản hóa các thủ tục, đẩy nhanh giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng…, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư, các chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn đổi mới công tác đối thoại doanh nghiệp theo hướng thân thiện, hiệu quả, đi vào thực chất hơn. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá những việc làm được, chưa được của từng đơn vị và xem đây là thước đo khách quan để đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm công việc, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư. Tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, bởi mục đích, giải pháp của các Nghị quyết này cũng chính là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.