Hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật thông qua Dự án Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam

(NTO) Thời gian qua, thông qua thực hiện những chương trình, dự án, các địa phương đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu là Dự án Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam (dự án) đã triển khai mô hình sản xuất ở vùng núi, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân.

 
Thông qua hoạt động của Dự án Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam, đồng bào Raglai tiếp cận được kỹ thuật trồng bắp lai.

Dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (LHQ), Quỹ Nhi đồng LHQ, Tổ chức Y tế thế giới gồm nhiều nội dung. Trong đó, Hợp phần An ninh lương thực triển khai tại tỉnh ta vào đầu năm 2016 đã chuyển giao thành công 7 mô hình trồng trọt và chăn nuôi ở địa bàn huyện Thuận Bắc và Bác Ái. Tại xã Công Hải, Bắc Sơn (Thuận Bắc) có 6 mô hình được đánh giá cao bởi quy trình kỹ thuật chuyển giao có sự hướng dẫn ngay tại đồng ruộng theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên nông dân tiếp thu nhanh. Cụ thể, kết quả mô hình thâm canh lúa nước ở xã Bắc Sơn không những năng suất cao hơn 30% so với canh tác truyền thống, mà còn giúp đồng bào Raglai biết ứng dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa và kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Cái được lớn nhất qua thực hiện dự án đó là nông dân đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, lựa chọn được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương đưa vào sản xuất. Cụ thể, mô hình thâm canh cây đậu xanh trên đất lúa kém hiệu quả ở xã Công Hải và Bắc Sơn đã góp phần vào thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng thích nghi với điều kiện khô hạn của tỉnh. Trước khi thực hiện mô hình, do hạn hán kéo dài nên hàng trăm héc-ta đất lúa thiếu nước trên địa bàn phải ngưng sản xuất, thế nhưng kể từ khi chuyển sang cây trồng cạn nông dân được cán bộ hướng dẫn thực hành kỹ thuật làm hàng, lên luống, bón phân cân đối để thâm canh cây đậu xanh đưa lại màu xanh trên vùng “đất khát”, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng hạn.

Điều đáng nói, các mô hình chuyển giao KH-KT có khả năng nhân rộng cao, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng. Điển hình như kỹ thuật canh tác bắp lai áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên đất màu và đất lúa kém hiệu quả triển khai tại huyện Thuận Bắc từ 1 ha ban đầu nay lên 15 ha; kỹ thuật canh tác đậu xanh từ 1,8 ha đến nay tăng lên 130 ha. Dự kiến đến cuối năm nay, mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác và quản lý cây trồng tổng hợp sẽ được nhân rộng lên quy mô toàn tỉnh, với diện tích 879 ha. Đồng chí Phan Quang Thựu cho biết thêm: Để nhân rộng các mô hình chuyển giao KH-KT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hành các bộ tài liệu kỹ thuật về canh tác lúa, bắp, đậu xanh trên đất màu và đất lúa thiếu nước, giúp nông dân nắm vững để ứng dụng vào sản xuất.

Không chỉ đẩy mạnh chuyển giao KH-KT vào sản xuất, dự án còn mở các lớp tập huấn để phổ biến, nhân rộng các thành tựu về nông nghiệp cho 2.400 lượt nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở. Qua đó, nâng cao hiểu biết, kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi của nông dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi sớm tiếp cận tiến bộ khoa học mới.

Bài học kinh nghiệm rút ta từ hoạt động của dự án, đó là để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, việc lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên hỗ trợ nông dân triển khai, nhân rộng là yếu tố dẫn đến thành công.