Chuyện “cho gì nhận nấy”

(NTO) Lâu ngày gặp nhau, anh bạn cùng quân ngũ ngày xưa hỏi: Cậu nhớ thằng Khánh “khùng” không? Sao quên được, nhưng hắn công tác cùng thành phố ông mà. Nghe tôi trả lời, anh khẳng định: Khùng như hắn cũng đáng, con người hào hiệp ai cũng quí mến, đúng là cho gì nhận nấy. Với chất giọng trầm ấm, anh kể tôi nghe chuyện về bạn mà cứ như chính mình vậy.

Ra quân trở về quê nhà, bà xã Khánh “khùng” xin cho hắn vào cùng làm công nhân xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc của tỉnh. Vốn lính chiến, làm ra làm, năng suất khoán của hắn luôn dẫn đầu xưởng. Thời bao cấp, bán như cho, lương thưởng tuy thấp nhưng bù lại được xí nghiệp ưu tiên bán cám nuôi heo. Vợ chồng hàng tháng có bao nhiêu tiền hắn đều mua cám tổng hợp. Nhiều lúc quá tiêu chuẩn, hắn gặp tay phó giám đốc phụ trách quản trị năn nỉ: Anh thông cảm, vợ chồng em nuôi heo, ông bà nội, ngoại thấy hay cũng nuôi theo, nên suất của vợ chồng không đủ… Được cái, con người hắn thật thà lại gương mẫu đi đầu trong sản xuất, sẵn lòng giúp đỡ mọi người nên ai cũng thương. Không chỉ một tháng, được đằng chân lân đằng đầu, hắn lúc đeo bám phó giám đốc, khi thì giám đốc…những người có thẩm quyền cho mua thêm ngoài tiêu chuẩn chung để hằng tháng mua thêm càng nhiều càng tốt. Khổ nỗi, cuộc sống tránh sao kẻ ganh tỵ, có người dị nghị rằng hắn mua đi bán lại kiếm lời cũng chẳng phải tay vừa. Nghe dư luận nội bộ râm ran, vốn cũng là bộ đội chuyển ngành, bí thư chi bộ mời hắn lên “tâm sự”. Được thông báo tin không tốt về mình, hắn cứ đưa tay gãi tai, miệng thì lúng ba, lúng búng không nói thành lời. Bí thư động viên: Cậu cứ thành thực báo cáo để tập thể biết giúp đỡ. Hắn cười hiền lành, em thiếu sót vì đã không trung thực…Nghe chưa hết câu, bí thư nghiêm mặt: Đấy là đạo đức biết chưa? Bộ đội…gì mà như vậy, khổ tôi không chứ? Mặt hắn xanh mét, miệng nói lý nhí: Dạ, bí thư cho em trình bày rồi có đưa ra Chi bộ kiểm điểm thế nào em cũng xin nhận. Thực tình mà nói, vợ chồng em cũng chỉ nuôi một cặp heo theo dạng gối đầu, cứ bán cặp lớn thì nuôi tiếp cặp nhỏ, chứ tiền đâu ra mà xây chuồng trại, mua heo giống, lại công chăm sóc nữa. Số cám mua ngoài tiêu chuẩn là em mua giúp đám bạn cùng quân ngũ giờ ở quê chúng khổ quá. Có đứa không may mắn heo bị dịch bệnh chết vợ chồng em gánh trả tiền luôn. Nhiều lúc bà xã cằn nhằn, mình số khổ chồng cứ đi lo chuyện bạn bè…nhưng khi đến tận nơi chứng kiến gia cảnh quá khó khăn của họ thì mắt cô ấy lại đỏ hoe. Nghe hắn trình bày, bí thư dịu giọng: Vậy mà mình cứ tưởng…, thôi thì cậu ghi lại địa chỉ từng người để đại diện công đoàn tìm hiểu sau đó công khai cho mọi người biết. Thế rồi những đồng đội cũ vốn được hắn mua cám giùm được ban giám đốc, công đoàn nhận đỡ đầu giúp đỡ. Họ được ưu tiên mua cám nuôi heo như cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp. Nhờ vậy, từng bước họ vượt qua cảnh nghèo khó vươn lên có cuộc sống kha khá. Sau này nhờ học hành, rèn luyện phấn đấu hắn được cấp trên bổ nhiệm làm phó giám đốc rồi giám đốc. Vợ hắn thôi công tác ở xí nghiệp chuyển qua doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, làm tới chức phó giám đốc. Tuy đã là “quan” nhưng vợ chồng hắn vẫn luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Có lần vợ mới mua mấy chục tấm tôn lạnh chuẩn bị làm mái che, nghe bạn làm nhà thiếu hắn kêu cho liền, lại còn thuê xe chở tới tận nơi. Bà xã hắn biết chuyện chỉ cười trừ: Đúng là trời sinh tính, ai mà cải nổi ổng!

Nghe anh kể chuyện Khánh “khùng” tôi thấy thật ấm lòng, bởi đồng đội mình xưa vẫn luôn biết sống vì mọi người. Và hắn không lẻ loi bởi còn rất nhiều người đồng hành chăm lo cho cuộc sống của những người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, người nghèo, người có công với nước. Chỉ có điều, tôi mới nhận thấy, những người luôn cho điều tốt họ thật giàu có. Với mỗi địa chỉ họ giúp đỡ là một tấm lòng nhân ái và họ không giàu nghĩa tình mới lạ!