Thực hiện hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

(NTO) Nhân “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6-2017), phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên: Được biết, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Sống hài hòa với thiên nhiên”, xin đồng chí cho biết rõ hơn ý nghĩa và mục đích của chủ đề này, nhất là đối với tỉnh ta?

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh: Năm 2017, chủ đề Ngày Môi trường thế giới là: “Sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng đối với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên.

Ninh Thuận được thiên nhiên ưu ái và ban tặng nguồn tài nguyên sinh học vô cùng đa dạng và phong phú được lưu giữ tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Vườn Quốc gia Núi Chúa; trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam. Đồng thời, tỉnh ta còn được thiên nhiên ban tặng với những cảnh đẹp vô cùng hấp dẫn, hội tụ những nét đẹp của núi rừng và biển cả, một số điểm du lịch vẫn còn hoang sơ như: bãi biển Bình Tiên, Vĩnh Hy, Mũi Dinh, Hang Rái, Hòn Đỏ, thác Chapơ,…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, sự gia tăng dân số; việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã và đang gây sức ép đến nguồn tài nguyên thiên nhiên tỉnh ta. Do đó, đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại nhận thức và hành động của mình đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường và công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phóng viên: Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, cụ thể là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 13-2-2017 về đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1017/KH-UBND ngày 24-3-2017 để triển khai thực hiện Chỉ thị nói trên;… Vậy, nhân “Tháng hành động vì môi trường”, ngành TN&MT có những giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị cũng như Kế hoạch đã nêu?

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh: Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1017/KH-UBND của UBND tỉnh; Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1988/KH-UBND ngày 29-5-2017 về tổ chức “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6 năm 2017 với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

Một là, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các Chỉ thị, Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rà soát và giải quyết các vấn đề môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: công trình xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và nông thôn; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; kêu gọi mọi người quan tâm hơn và có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường.

Bốn là, tổ chức phổ biến, giới thiệu, khuyến khích áp dụng các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phổ biến kiến thức về môi trường, lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học; trao đổi sản phẩm tái chế;…

Năm là, tổ chức lễ phát động, ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước; thu gom xử lý chất thải, rác thải,... nhằm tạo cảnh quan sạch, đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phát động phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đến các hộ gia đình; trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường Thế giới tại các nơi công cộng, các tuyến đường phố chính, nơi đông người qua lại, tại trụ sở cơ quan,… nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những hành động cụ thể để những giải pháp được đề ra thành hiện thực?

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh: Để các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trở thành hiện thực, trong thời gian tới, ngành TN&MT tập trung thực hiện các công việc trọng tâm sau:

Hoàn thành chỉ tiêu 90% khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường vào các Kế hoạch liên tịch phối hợp hành động bảo vệ môi trường đã ký với các cơ quan, hội, đoàn thể và tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch liên tịch này.

Rà soát ban hành hoặc kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường để ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là các quy định về công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp.

Thiết lập hệ thống kết nối tiếp nhận và quản lý dữ liệu từ hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục của các cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đất, nước, không khí đến năm 2020.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Duy trì và nhân rộng mô hình tổ cộng đồng tự quản về bảo vệ môi trường giám sát các hoạt động xả thải vào môi trường.

Tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn nước thải có lưu lượng từ 200 m3/ngày -đêm trở lên thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT, UBND tỉnh và các dự án thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của Sở TN&MT; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức.

Tổ chức quản lý, giám sát việc đăng ký và thực hiện thu gom, xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải nguy hại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!