Ngăn ngừa xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em

(NTO) Thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Vấn đề này gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất cũng như tâm, sinh lý của trẻ. Chính vì vậy, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm nay, tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống và xử lý nghiêm các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em (1 vụ hiếp dâm cướp tài sản của trẻ 9 tuổi, 1 vụ dâm ô với trẻ 5 tuổi và 1 vụ dâm ô với trẻ 8 tuổi); bạo hành trẻ em xảy ra 1 vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Không ngoại trừ có những trường hợp vi phạm nhưng không được phát hiện do khi vụ việc xảy ra các em hoảng sợ, lo lắng không dám kể với ai; gia đình sợ dư luận cũng không dám trình báo cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý kịp thời.

Đơn cử như vụ việc xảy ra vào ngày 27-3 vừa qua tại phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Đối tượng Nguyễn Quốc Duy (SN 1992, trú tại KP 7, phường Thanh Sơn( đến nhà chị V.T.T ở gần nhà mua thuốc lá, nhưng không có người lớn ở nhà. Thấy cháu N. N. H (SN 2009) đang đi vệ sinh, Duy đã thực hiện hành vi dâm ô đối với H. Vụ việc được phát hiện, khi mẹ cháu về thấy Duy bỏ chạy ra ngoài. Nghi ngờ, nên chị đã hỏi chuyện cháu H và tố giác hành vi của Duy với cơ quan chức năng. Tại cơ quan điều tra, Duy đã thừa nhận hành vi dâm ô của mình đối với cháu H và bị khởi tố về hành vi  “dâm ô với trẻ em”.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây xảy ra đáng lo ngại. Thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân, lợi dụng lúc người nhà đi vắng rồi đột nhập vô nhà hoặc lúc các em đi học về trên những tuyến đường vắng, trời tối để thực hiện hành vi xâm hại.

Đại tá Phan Văn Chỉnh, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Tình hình trẻ em bị xâm hại thường xảy ra dưới 3 dạng: Thứ nhất là xâm phạm về tình dục, thứ hai là xâm phạm về thân thể và thứ ba là xâm phạm về tài sản. Nghiêm trọng nhất là xâm hại tình dục ở các vùng nông thôn hẻo lánh, do nhận thức chưa đúng của một số thanh niên có quan hệ yêu đương với các cháu ở tuổi vị thành niên. Một số có hành vi lợi dụng dụ dỗ, hiếp dâm trẻ em. Riêng về xâm phạm tài sản trẻ em, chủ yếu các em là học sinh đi học trên các đoạn đường vắng bị một số thanh thiếu niên hư cưỡng đoạt tài sản, xâm hại tới sức khỏe. Các vụ xảy ra tại địa phương đã được lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm khắc, kết hợp tuyên truyền để người dân cảnh giác và răn đe đối tượng. Nhưng về mặt xã hội, cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn để các bậc phụ huynh có trách nhiệm quan tâm bảo vệ con em mình.

Được biết, tỉnh ta hiện có 156 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trên 19 ngàn trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, là trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật, mồ côi. Để ngăn ngừa xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, Ban Bảo vệ trẻ em tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hình thức trợ giúp, chăm sóc phù hợp cho trẻ, nhất là chú trọng các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kiến thức, nhận biết các dấu hiệu xâm hại, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tại các trường học, giáo viên cũng đã lồng ghép truyền đạt các kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa xâm hại cho các em học sinh.

Xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em là hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ trong suốt cuộc đời. Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, cần nâng cao vai trò của các cơ quan, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ khỏi các đối tượng xâm hại. Nhà trường và gia đình cần tạo môi trường, nếp sống lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống để các em có nhận thức đầy đủ, cảnh giác, phòng ngừa bị xâm hại và bạo lực.