Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất giống lúa, bắp lai ở Ninh Phước: Để người nông dân được hưởng lợi

Những năm gần đây, tại một số địa phương thuộc huyện Ninh Phước, không ít bà con nông dân đã ký hợp đồng với các công ty giống cây trồng để sản xuất giống lúa, bắp lai,… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra manh mún, rời rạc, thiếu chủ động nên đa phần nông dân trên địa bàn chưa thực sự được hưởng lợi từ mô hình này.

Với đặc điểm là vùng đồng bằng có nhiều sông, suối, kênh mương, đất đai tương đối màu mỡ, Ninh Phước rất thích hợp để phát triển trồng trọt, đặc biệt là cây lương thực. Mặt khác, dân cư vùng này có tập quán canh tác lúa nước lâu đời, nhiều kinh nghiệm. Do vậy, từ lâu, Ninh Phước đã là vùng chuyên canh lương thực của tỉnh với hơn 27.000 ha lúa, bắp. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng cũng như đặc điểm canh tác có nhiều thuận lợi, nhiều công ty giống cây trồng đã mạnh dạn ký hợp đồng với bà con nông dân trên địa bàn để sản xuất giống cho họ. Khi ký hợp đồng, công ty sẽ cung cấp cho nông dân giống thuần chủng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ một phần vật tư và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao.

Vùng chuyên canh giống lúa, bắp của nông dân Ninh Phước.

Ông L.V.Thọ (Phước Thiện 3- Phước Sơn – một trong những vùng chuyên canh bắp của Ninh Phước) cho biết: “Thời gian gần đây, rất ít công ty đến hợp đồng với nông dân để sản xuất giống, nên bà con chuyển sang trồng bắp thương phẩm. Việc sản xuất giống phụ thuộc vào các công ty này, không có họ mình trồng bán cho ai…?”

Ngoài nguyên nhân thiếu chủ động từ phía người dân, một số hộ không mặn mòi với việc sản xuất giống là do họ chưa thực sự được hưởng lợi từ mô hình này. Ông Nguyễn Duy Phụng – chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phụng (Phước Sơn) phân tích: “cứ nhìn vào giá bắp là thấy… bà con trồng bắp thương phẩm bán với giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, còn người trồng bắp giống được công ty thu mua (nguyên cùi) với giá khoảng 6500 đồng/kg, thấy cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, bắp giống này, sau khi xử lý, đóng gói, công ty sẽ bán ra thị trường với giá lên đến 75.000-80.000 đồng/kg.”

Đối với cây lúa, tình hình cũng tương tự.Với 900 ha đất canh tác lúa, xã Phước Hậu là vùng trọng điểm lúa của Ninh Phước. Ông Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu nhận định: “Mô hình sản xuất lúa giống thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, vì nó được triển khai theo chương trình “3 giảm – 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm ; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế - PV). Trung bình cứ 1 ha lúa giống, bà con thu lãi hơn 8 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với lúa thương phẩm.” Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết thêm: mô hình này do chỉ mới dừng lại ở chỗ sản xuất giống cho các công ty, chứ chưa nhân giống cho bà con nên người trồng lúa trên địa bàn phải chịu thất thoát một lượng vốn khá lớn vào khâu mua giống. Ông Phúc chỉ rõ: “giá lúa giống mà các công ty thu mua hiện khoảng 6.000 đồng/kg. Nhưng người nông dân đang phải mua giống lúa với giá 9.000 đồng/kg, chênh lệch đến 3.000 đồng/kg. Nếu cứ tính theo nhu cầu giống trung bình 200kg/ha, nhân cho 900ha trên toàn xã mỗi vụ sẽ được con số rất lớn. Một khi người nông dân có thể chủ động nhân giống và bán lại cho chính những người nông dân thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều”.

Ông Đàng Năng Toàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: “Hiện chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh sản xuất giống lúa, bắp lai chất lượng cao trên địa bàn huyện Ninh phước, giai đoạn 2010-2015.” Theo dự án này, các vùng chuyên canh giống lúa gồm các xã Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái và thị trấn Phước Dân; hai xã Phước Vinh và Phước Sơn chuyên canh giống bắp. Các vùng chuyên canh giống lúa và bắp này không chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp giống cho sản xuất trong huyện, tỉnh và khu vực; mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững; góp phần thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Các vùng chuyên canh thành lập các HTX nông nghiệp để quản lý quy trình sản xuất, thu hoạch, thu mua, phân phối,… giống lúa, bắp cho bà con nông dân.

Về dự án này, ông Phúc phấn khởi: “Ngoài 120 ha sản xuất lúa giống, chúng tôi sẽ nhân giống 40 ha trong vụ đông – xuân sắp tới. 40 ha giống này đảm bảo cung cấp đủ giống cho toàn xã, tiết kiệm được gần 2 tỉ đồng/năm tiền vốn của bà con nông dân.”

Từ sự manh mún, thiếu chủ động trong sản xuất giống, việc hình thành vùng chuyên canh giống lúa, bắp ở Ninh Phước không chỉ là một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện mà còn là chiến lược cần có trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xã hội hóa sản xuất để mọi người cùng có lợi, nhất là người nông dân.