Bảo vệ môi trường Mỹ phát minh chất bán dẫn có thể phân hủy

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đã phát triển một chất bán dẫn linh hoạt, hữu cơ, có thể phân hủy nhằm giảm thiểu lượng rác thải điện tử toàn cầu.

Để đối phó với tình trạng rác thải điện tử độc hại đang gia tăng nhanh chóng, các nhà nghiên cứu ở Stanford đã tạo ra một thiết bị điện tử linh hoạt có thể phân hủy dễ dàng bằng một chút dung dịch acid yếu như dấm ăn. Trong báo cáo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giáo sư về kỹ sư hóa học và khoa học vật liệu và kỹ sư Zhenan Bao cho biết mục tiêu của nhóm là tìm cách bắt chước các tính chất của da người vào việc phát triển các thiết bị điện tử tương lai. Trước đó, nhóm đã tìm cách bắt chước được 2 tính chất gồm linh hoạt và tự phục hồi, với một vật liệu có thể uốn cong và vặn xoắn mà không bị hỏng hay hoạt động kém đi. 

Trong nghiên cứu mới, nhóm đã phát triển một mạch điện tử có thể phân hủy và một chất nền có thể phân hủy làm thành phần các thiết bị điện tử.

Với thiết bị mới phát triển, các nhà nghiên cứu sử dụng các thành phần cấu thành làm từ sắt thay vì vàng như các thiết bị phổ biến hiện nay. Theo bà Bao, sắt là một sản phẩm thân thiện với môi trường và không độc hại với con người. Sau đó, chất nền sẽ hỗ trợ các thành phần điện tử, uốn nắn và tạo dáng cho các bề mặt rắn và mềm tương tự nhau. Với tính năng mới, một khi thiết bị điện tử này bị thải loại, nó sẽ có thể phân hủy thành những thành tố không độc hại.

Rác thải điện tử mang theo nhiều kim loại nặng có thể gây rò rỉ hóa chất, rò rỉ kim loại nặng ra môi trường khiến đất, không khí, nước bị ô nhiễm, đầu độc ngành nông nghiệp và có thể gây ra nhiều hậu quả gián tiếp khôn lường cho không chỉ thế hệ hiện tại mà nhiều thế hệ tương lai.

Một báo cáo có tên “Tội ác chất Thải” mới công bố cho biết có tới 50 triệu tấn rác điện tử, chủ yếu là máy tính và điện thoại thông minh, sẽ bị thải ra trong năm 2017. Con số này đã tăng khoảng 20% so với năm 2015 với 41 triệu tấn rác điện tử bị thải loại. Nơi chứa loại phế liệu độc hại này cho cả thế giới là các quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ 3.

Theo TTXVN