Ngành Y tế: Nỗ lực vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

(NTO) Năm 1995, tỉnh ta đẩy lùi được dịch tả; năm 2000, thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; năm 1997, tỉnh ta nằm trong 4 tỉnh có tỷ lệ bệnh phong cao nhất nước, thì đến cuối năm 2015 công bố loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh; tỷ suất mắc tai biến sản khoa giảm từ 0,33% (năm 2010) xuống còn 0,11% (năm 2016); hằng năm trên 97% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia... Những thành tựu trên đã minh chứng cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà 25 năm qua.

 Tăng cường y tế dự phòng cho tuyến cơ sở

Trở lại xã Phước Trung (Bác Ái) vào những ngày giữa tháng Ba, chúng tôi thực sự phấn khởi bởi những đổi thay về nếp sống của bà con nơi đây. Là địa phương vùng sâu, vùng xa, trên 90% người dân là đồng bào dân tộc Raglai, dẫu đời sống vẫn còn khó khăn, nhưng bà con đã ý thức hơn tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Anh Đạo Văn Thuận, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Trước đây, hễ bị bệnh, bà con chỉ biết đi mời thầy cúng về “bắt con ma”; phụ nữ có thai không đến trạm để khám thai, đến lúc đẻ thì nhờ chồng hoặc bà mụ đỡ đẻ tại nhà vì ngại, mắc cỡ và có phong tục đẻ bên bếp lửa. Hằng năm số tai biến sản khoa rất cao, có trường hợp chết cả mẹ và con. Nhưng giờ thì bà con mình “văn minh” nhiều rồi, hễ có bệnh là đến trạm y tế khám, lấy thuốc về uống; đẻ thì đến trạm y tế, nếu không thì có cô đỡ đến tận nhà khám và đỡ đẻ. Bà con ý thức hơn về ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sống... để phòng ngừa dịch bệnh... Nhờ đó, những năm qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần và đặc biệt tỷ lệ tai biến sản khoa cũng giảm hẳn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: V.M

Không chỉ ở xã Phước Trung, mà tại nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khác, ý thức, kiến thức phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của bà con cũng tiến bộ hơn nhiều. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư về nguồn nhân lực, vật lực và quá trình phấn đấu, nỗ lực của ngành Y tế trong công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động, cùng nhiều hoạt động tăng cường cho tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến xã, phường, các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó lấy công tác y tế dự phòng làm mấu chốt. Những ngày đầu tái lập tỉnh, nhiều địa phương còn trắng về y tế thì chỉ sau 3 năm, 100% xã, phường có trạm y tế; đến năm 2000, 100% thôn có y tế thôn. Đặc biệt, từ năm 2009, nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, đến nay, tỉnh đã đào tạo 68 cô đỡ thôn bản đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các thôn đặc biệt khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh có 47 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống bướu cổ, phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp, phòng chống sốt xuất huyết… luôn được tăng cường, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Những năm đầu tái lập tỉnh, ngành Y tế đối diện với nhiều khó khăn thách thức: Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt ý thức về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân còn hạn chế. Chính vì vậy, bên cạnh công tác dự phòng, tỉnh đã xác định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế nhanh chóng sắp xếp củng cố lại mạng lưới y tế, tập trung tuyển dụng, rèn luyện tay nghề, y đức cho đội ngũ thầy thuốc... Theo đó, ngoài việc củng cố hoạt động, tổ chức 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ninh Hải, Bệnh viện Ninh Phước, bắt tay vào “khôi phục” sự nghiệp, ngành Y tế thành lập mới một số đơn vị như: Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét, Trạm Chuyên khoa mắt, Trạm Chuyên khoa lao, Trạm Chuyên khoa da liễu… nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Qua quá trình phát triển, mạng lưới y tế ngày càng được nâng cấp với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khá khang trang, đồng bộ, hiện đại. Ngoài hệ thống trạm y tế xã, phường, hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở khám, chữa bệnh công lập, gồm 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện tuyến huyện, 1 bệnh viện đa khoa khu vực, 2 trung tâm chuyên khoa, 7 phòng khám đa khoa khu vực, 1 nhà hộ sinh và Trung tâm Y tế quân-dân y. Tính từ phòng khám đa khoa khu vực trở lên, tỷ lệ giường bệnh đạt 25,4 giường/vạn dân, tăng 9,1 vạn giường so với năm 1993. Trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí, ngành cũng quan tâm công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thành lập, hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân. Hiện toàn tỉnh có 153 cơ sở y tế tư nhân, trong đó 111 cơ sở y tế khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại, 30 cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền và 12 cơ sở dịch vụ y tế. Nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao về cả chất và lượng. Thông qua các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, đến nay, toàn tỉnh có tổng số hơn 2.516 cán bộ, viên chức. Trong đó có 431 bác sĩ, đạt 7,7 bác sĩ/vạn dân; 26 dược sĩ đại học, đạt 0,7 người/vạn dân. Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, ngành còn cử bác sĩ tuyến trên luân phiên xuống hỗ trợ cho các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới, giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho tuyến trên.

Nhân viên Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh hướng dẫn bệnh nhân
tập vật lý trị liệu. Ảnh: Văn Miên

Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn, các cơ sở khám, chữa bệnh còn tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế. Kết quả, đến nay, có 2 bệnh viện đạt chất lượng khá. Qua kiểm tra, đánh giá, tổng hợp ý kiến, khảo sát về sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 bệnh viện tuyến huyện, có 2 bệnh viện xếp loại xuất sắc; 2 bệnh viện xếp loại tốt; 3 bệnh viện xếp loại khá.

Thành tựu nổi bật trong công tác khám, chữa bệnh nữa đó là sự phát triển không ngừng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Được thành lập trên cơ sở Bệnh viện Phan Rang, những ngày đầu hoạt động, bệnh viện thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt. Tuy nhiên, sau 2 năm củng cố, năm 1994, bệnh viện được công nhận bệnh viện đa khoa loại II. Năm 2012, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tỉnh đầu tư xây mới, quy mô 500 giường bệnh, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Thông qua các Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh, những năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám và điều trị. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 250 kỹ thuật điều trị của tuyến Trung ương. Năm 2016, bệnh viện thành lập Đơn vị Can thiệp tim mạch, qua đó đã thực hiện thành công 102 ca chụp mạch vành, trong đó can thiệp đặt stent cho 51 bệnh nhân.

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ý thức về phòng chống dịch bệnh của một phận người dân còn hạn chế. Nhiều đơn vị thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chuyên khoa sâu tại các bệnh viện. Nhiều trạm y tế đã xuống cấp hoặc thiếu phòng chức năng. Đây đó còn có cán bộ y tế chưa làm hết trách nhiệm, chưa phát huy tốt tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, là “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của ngành... Thời gian đến, ngành Y tế tăng cường các hoạt động y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra dịch lớn, quản lý các bệnh không lây nhiễm, nâng cao hiệu quả công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, an toàn thực phẩm... Tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức, trong đó tập trung thực hiện Đề án Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; triển khai Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh. Tăng cường thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của ngành, nhất là đối với các chuyên ngành còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tốt cải tiến chất lượng bệnh viện, nâng cao ý thức đổi mới tinh thần, thái độ làm hài lòng người bệnh... Trước mắt, phấn đấu đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 75,38% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ giường bệnh đạt 25,7 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ đạt 8 bác sĩ/vạn dân; trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,14%...

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tin rằng ngành Y tế sẽ thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, làm tốt nhiệm vụ cao cả: bảo vệ, chăm lo sức khỏe Nhân dân mà Đảng, Nhân dân tin tưởng giao phó.