‘Cú hích’ cho thị trường bất động sản

Có 8/30 quy định pháp luật thuộc lĩnh vực bất động sản được bình chọn "Tốt nhất" trong cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt/chưa tốt năm 2016 chính là sự khích lệ trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách của lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho rằng kết quả này thể hiện bước tiến mới trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực BĐS, đồng thời thể hiện vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cụ thể là Bộ Xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu kiến tạo, phục vụ mà Chính phủ đang nỗ lực tập trung thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, kết quả này là tín hiệu tích cực của những nỗ lực bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng

“Các DN đánh giá cao những hoạt động thay đổi các quy định pháp luật trong thời gian vừa qua của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng theo hướng cởi mở hơn, thị trường hơn và tự do hơn”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, những quy định được đánh giá tốt trong lĩnh vực BĐS không chỉ có tác động tích cực đối với hoạt động của DN, người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS thời gian qua. Các quy định này vừa thu hút thêm đầu tư nước ngoài, vừa tác động tích cực tới an sinh xã hội như tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở...

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, “Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở vừa rồi đã ‘thoát’ được khá nhiều những quy định cũ mang tính can thiệp hành chính vào thị trường”.

Theo kết quả cuộc bình chọn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 8 quy định "Tốt nhất" thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) bao gồm:

1/ Bỏ quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS” trong Luật Kinh doanh BĐS;

2/ Điều kiện kinh doanh BĐS có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ (Điều 3 - 5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS);

3/ Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam (tại Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014);

4/ Cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh (Điều 11.3 (a) Luật Kinh doanh BĐS);

5/ Luật Nhà ở 2014 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội;

6/ Điều 54-59, Luật Kinh doanh BĐS 2014 mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai;

7/ Điểm e, Khoản 1, Điều 89, Luật Xây dựng 2014 miễn giấy phép xây dựng nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

8/ Điều 126 và 127, Luật Đất đai 2013 nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm.

Nguồn www.chinhphu.vn