Đừng để “đâu lại vào đó”!

(NTO) Nghị định (NĐ) 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-2-2017.

Nhiều người đã rất kỳ vọng vào NĐ này và xem đây sẽ là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh nhà “Xanh-Sạch-Đẹp”…bởi các chế tài xử phạt “đủ sức” để răn đe những hành vi vi phạm. Đặc biệt đối với những hành vi như vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng…

Người dân vớt rác trên các tuyến kênh mương. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua hơn một tháng NĐ 155 có hiệu lực dường như vẫn chưa có nhiều động thái tích cực từ phía các địa phương, nếu không muốn nói là đang còn “án binh bất động”!. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn Tp. Phan Rang –Tháp Chàm cũng như một số địa phương lân cận tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định hay các bãi rác “tự phát” từ trước đến nay vẫn… y nguyên. Tại hàng ăn uống vỉa hè vẫn trắng giấy ăn do thực khách bỏ ra. Một thực trạng “nhức nhối” khác đó là nhiều người dân vẫn rất “vô tư” ném rác xuống kênh mương, không đâu xa như mương Ông Cố chảy từ Tháp Chàm xuống Phan Rang với chiều dài hơn 6 km hàng ngày đã “chuyển” hàng tấn rác do cư dân ném xuống!. Đó là chưa nói đến tình trạng xác súc vật, gia cầm chết thay vì tiêu hủy thì ngược lại cứ…đẩy hết xuống mương, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ phát tán mầm dịch nếu như các động vật kia bị chết bệnh…Thử tìm hiểu nguyên nhân các quy định của NĐ 155 chậm đi vào cuộc sống, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng chưa ý thức được tầm quan trọng, tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường, từ đó chưa tập trung mọi nguồn lực để thực hiện quyết liệt. Mặt khác, nếu nhìn ở khía cạnh từ phía chính quyền địa phương - lực lượng nòng cốt thực thi NĐ này thì hiện chưa được phân công rõ ràng cụ thể, và cũng chưa được hỗ trợ các phương tiện máy móc để có thể thu thập bằng chứng rõ ràng chứng minh người bị xử phạt có hành vi vi phạm, nhất là chứng minh hình ảnh vi phạm...

Khó khăn trong việc triển khai thực hiện NĐ là có nhưng không phải là bất khả thi. Để các quy định của NĐ này đi vào cuộc sống, theo chúng tôi cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng để không vi phạm. Cùng với đó cần phát huy cơ chế tự quản, giám sát tại cộng đồng dân cư và có chính sách khen thưởng cho các tổ tự quản nếu tuyên truyền tốt và không để xảy ra các vi phạm.

NĐ 155 là điểm tựa pháp lý để hướng tới mục tiêu đô thị văn minh, sạch đẹp, đáp ứng mong muốn của người dân. Do vậy, ngoài chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phù hợp, chuẩn bị nhân lực để thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân... thì vấn đề cốt lõi mà các đơn vị liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện NĐ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Có ý thức được điều này, NĐ mới được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, tránh tình trạng “đâu lại vào đó”!