Ninh Thuận 25 năm một chặng đường phát triển:

Dấu ấn của một chặng đường phát triển

(NTO) Năm nay tỉnh ta tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh gắn với kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh nhà nói riêng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nói chung. Nhìn lại một chặng đường phát triển cho thấy có nhiều dấu ấn được kết tinh bằng sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh.

Một góc Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: LVH
 
 
Tuyến đường ven biển (đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy). Ảnh: ĐN

Một góc cầu An Đông (Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Lê Văn Hùng

Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: V.M
 
 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: VM

Nếu như ở chặng đường 20 năm (1992-2011) kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, với nhiều thành tựu: Tính đến năm 2011 tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) đạt 3.337 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân mỗi năm 8,4%, Công nghiệp-xây dựng đạt 886,3 tỷ đồng tăng 9 lần; Dịch vụ đạt 352,1tỷ đồng tăng 11,6 lần so với năm 1992. GDP bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, nếu năm 1992 chỉ đạt 1,4 triệu đồng/người, năm 2000 đạt 2,9 triệu đồng/người thì đến năm 2011 đạt 16,3 triệu đồng, tăng 11,6 lần so năm 1992 và tăng 5,6 lần so năm 2000. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 72 triệu USD tăng 42,4 lần so với năm 1992; Tổng lượt khách du lịch năm 2011 đạt 661 nghìn lượt khách tăng 19 lần…

Giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt những thành tựu với chất lượng tăng trưởng cao hơn. Đến năm 2015, tổng sản phẩm GDP đạt trên 5.122 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010; tốc độ tăng bình quân mỗi năm 11,2%; Công nghiệp-xây dựng đạt 1.619 tỷ đồng, tăng 2,07 lần; Dịch vụ đạt 2.009 tỷ đồng, tăng 1,8 lần; Nông-lâm-thủy sản đạt 1.494 tỷ đồng, tăng 1,33 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 31,2 triệu đồng, tăng 2,46 lần so năm 2010, rút ngắn nhanh hơn khoảng cách chênh lệch so với cả nước, cụ thể là nếu ở thời điểm năm 2010 chỉ mới bằng 52,8% thì đến năm 2015 đã nâng lên bằng 65% so mức bình quân chung cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 75 triệu USD, tăng 1,61 lần so với năm 2010; tổng lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 1.500 nghìn lượt, tăng 2,72 lần...

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (huyện Ninh Sơn) tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Văn Miên

Ngư dân thôn Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải) đầu tư thuyền nghề công suất lớn tạo động lực phát triển kinh tế biển. Ảnh: Sơn Ngọc

Vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Các vận động viên biểu diễn lướt ván diều nghệ thuật tại Giải Lướt ván diều KTA Tour Châu Á- Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: V.M

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, khó khăn nổi lên là tình hình hạn hán gay gắt tiếp tục kéo dài trên diện rộng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân, tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với quyết tâm ”vượt khó” của toàn Đảng bộ và Nhân dân kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6%; thu nhập bình quân đầu người 30,3 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.320 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng; Hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 80,2 triệu USD, vượt 14,6% kế hoạch, tăng 33,4% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp và PTNT tăng 6,2%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 3,2%, thủy sản tăng 9,3%. Sản xuất công nghiệp tăng 4,2%; các ngành Dịch vụ tăng 11,9% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh du lịch có chuyển biến, chủ trương xây dựng môi trường du lịch sạch được tập trung triển khai, môi trường du lịch được cải thiện...nhờ đó đã thu hút trên 1,7 triệu lượt du khách, tăng 13,3% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng đáng kể.

Một trong những thành quả đáng ghi nhận là tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, qua đó tạo làn sóng đầu tư mới, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh; đồng thời chỉ đạo rốt ráo việc triển khai thực hiện sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư, gắn với thực hiện các quy định mới về thu hút, xét chọn, đồng thời giám sát xử lý các dự án đầu tư theo hướng tăng cường tính công khai, công bằng, minh bạch trong thực hiện... Kết quả, trong năm đã cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương địa điểm cho 64 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 19 ngàn tỷ đồng...

Có thể nói, những thành quả đạt được như đã nêu đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh ta bước vào giai đoạn phát triển mới, nhất là năm 2017- năm ”bản lề” của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo đó, năm nay tỉnh ta phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%-11%, GRDP bình quân đầu người đạt 33-34 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.140 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.130 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.800 tỷ đồng; về du lịch phấn đấu thu hút trên 1,75 triệu lượt khách...

Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải,Ninh Hải) chăm sóc nho. Ảnh: Mai Dũng
 
 
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) phát triển cây táo đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
 
 
Doanh nghiệp thu mua tỏi Vĩnh Hải vô bao đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nông dân huyện Ninh Phước áp dụng thiết bị cơ giới vào thu hoạch lúa.

Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế, như: Tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm kết hợp với công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp. Tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, thủy sản, năng lượng tái tạo, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; khai thác tốt nhất năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu, duy trì xuất khẩu mặt hàng nông sản và mở rộng quy mô xuất khẩu một số mặt hàng mới...

Khó có thể nói hết những thành tựu mà tỉnh ta đã đạt được trong chặng đường 25 năm qua, nhưng điều đọng lại là niềm tin của mọi người dân vào sự phát triển bằng chính thực tế hiển hiện trong đời sống từ mọi vùng, mọi miền trong tỉnh....