Trông người mà ngẫm đến ta!

(NTO) Gần đây, một trong những thông tin khá “nóng” trên các báo là nông dân trồng chuối nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu…đã phải một phen lao đao vì “cây già trái chín” nhưng thương lái vẫn “bặt tăm”, nhiều nông dân chỉ cầu mong bán đủ tiền đầu tư nhưng cũng không phải dễ!.

Vài năm trước, giá chuối được mua ở mức 14- 15 ngàn đồng/ ký nên nông dân ồ ạt trồng, không ít người phải thuê thêm đất, đầu tư hàng tỷ đồng trồng chuối để mong thu lợi lớn từ “cú” chuyển đổi cây trồng này nhưng do không gắn với thị trường, nắm bắt kịp nhu cầu thị trường nhất là những thị trường xuất khẩu lớn thông qua các doanh nghiệp… nên phải gánh chịu hậu quả. Hiện tại, giá chuối rớt thê thảm, còn từ 1- 2 ngàn đồng/ký nhưng tiêu thụ vẫn rất khó. Nhiều nhà vườn nhìn chuối chín rụng mà tiếc đứt ruột, mặc dù một số địa phương như Đồng Nai thành lập cả Ban Chỉ đạo để “giải cứu” chuối cho nông dân nhưng cũng không mấy khả quan…

Chuối sứ Phước Bình (Bác Ái) mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đưa ra câu chuyện của các tỉnh bạn để thấy rằng “đầu ra” của không ít sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều rủi ro do chưa tạo lập được chuỗi giá trị thông qua mối liên kết “4 nhà”, trong đó quan trọng là giữa nhà nông với doanh nghiệp thông qua hợp đồng đầu tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh, ngoài vùng nguyên liệu mía vốn có truyền thống gắn kết lâu đời giữa nông dân với nhà máy (mặc dù đã qua các lần chuyển đổi chủ sở hữu). Điều cũng đáng nói là doanh nghiệp đã chủ động gắn kết và đầu tư vốn, kể cả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kỹ thuật… để giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân nên hàng năm nhà máy ổn định nguyên liệu chế biến, nông dân ổn định đầu ra của cây mía nếu hợp đồng trồng chặt chẽ với doanh nghiệp. Cây mỳ cũng đã xác lập được chuỗi giá trị “đầu vào”, “đầu ra” giữa nông dân với doanh nghiệp, từng bước tạo mối liên kết bền vững… Ngoài 2 cây trồng nêu trên, còn lại hầu hết các cây trồng khác nông dân vẫn chưa tìm được “chỗ dựa” vững chắc từ phía doanh nghiệp nên khó có thể nói sẽ tránh khỏi tình trạng “được mùa mất giá!”. Ngay cả cây nho vốn là cây trồng đặc sản của xứ nắng Ninh Thuận, và nằm trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, được xếp vào một trong bảy loại cây đặc sản nổi tiếng của khu vực miền Trung ngoài bưởi Thanh Trà (Huế), xoài tượng (Bình Định), sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hoà)… và điều cũng đáng mừng là mới đây Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã chứng nhận thương hiệu nho Ninh Thuận đạt “Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam” với 2 sản phẩm chủ yếu là nho xanh và nho đỏ… Tiếng tăm là vậy nhưng hầu hết sản phẩm nho đều tiêu thụ qua thương lái, nếu không muốn nói là gần như lệ thuộc từ việc định giá đến tiêu thụ tại các thị trường trong nước. Tất nhiên, có những “nhà nho” đã có cách bán khác đó là bán “bao giàn” cho thương lái theo kiểu “năm ăn, năm thua” nhưng phần thua nhiều hơn!. Nhiều người trồng nho nhưng muốn có doanh nghiệp đứng ra hợp đồng tiêu thụ và cần thiết đầu tư để nông dân sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu doanh nghiệp… nhưng chưa có. Do vậy, với trên 1.000 ha nho đang cho trái, sản xuất đồng loạt theo vụ thì rõ ràng đến thời điểm thu hoạch không thể trong một thời gian ngắn có thể tiêu thụ hàng chục ngàn tấn nho được và đối với giống cây được mệnh danh “nữ hoàng” đỏng đảnh này thì không thể “treo giàn” chờ giá được!. Đặc sản táo xanh Ninh Thuận cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

Trở lại vấn đề trồng chuối, theo thống kê chưa đầy đủ diện tích chuối trên địa bàn tỉnh cũng có đến con số ngàn ha, riêng địa bàn xã Phước Bình (Bác Ái) vài năm gần đây cây chuối đã phát triển mạnh và trở thành cây trồng chủ lực của xã và là cây “xoá đói giảm nghèo” của đồng bào Raglai ở đây. Từ vài chục ha đến nay đã tăng lên trên dưới 750 ha. Đây là con số không nhỏ nhưng đáng nói là việc tiêu thụ hoàn toàn do thương lái quyết định và nếu chỉ bán qua thương lái thì khó có hy vọng là ổn định giá cả, cũng như đầu ra “an toàn” cho sản phẩm!

Từ thực tế sản xuất, mong rằng các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến tìm kiếm “đối tác” tạo đầu ra sản phẩm cho nông dân song song với phát triển diện tích. Đừng “thả nổi” theo kiểu tự phát để rồi nếu mất cân đối “cung- cầu” thiệt hại không chỉ là nông dân mà trong chừng mực còn là tổn thất của xã hội.