Con đường và dân "gian"

(NTO) Đó là một xã vùng ven đô. Hai mươi năm trước, đời sống cư dân còn vất vả lắm, 80% dân số sống bằng nghề nông. Ai cũng biết, ngày xưa mà làm nông đủ sống là may mắn lắm, chứ đừng nói chi làm giàu từ ruộng rẫy.

Thế rồi nhờ vào quá trình thực hiện đô thị hóa, nông thôn mới, cảnh quan, bộ mặt của xã đột nhiên chuyển biến, thay đổi thấy rõ. Vẻ nhếch nhác xưa kia biến mất, thay vào đó là bộ cánh hiện đại, thời thượng chẳng khác gì nơi phố thị. Nhà cửa hai bên đường tỉnh lộ cứ thế mọc lên. Một “mê”, hai “mê”… rồi vài ba “mê” ken kín. Nếu trước kia, nhà nào cũng có khoảng sân vài ba chục mét vuông sát con đường, trồng vài ba cây ăn quả mít, mận xoài, nhãn…, hoặc chỉ là giàn hoa leo um tùm ngoài chiếc cổng gỗ xiêu vẹo, thì dần dần, dân làng dựng trụ cây, che mái tôn, sửa sang lại rào dậu làm hàng quán, buôn bán nhỏ. Thời gian sau, thêm tí nữa thì che chắn bốn bức vách cho vuông vức, kín gió. Khi buôn bán có dư tí chút, để an toàn hàng hóa thì xây luôn nhà cấp bốn, vừa để ở, vừa buôn bán… Thời điểm đó, đất ở xã-nhà ở quê, dân mình với suy nghĩ đất tui tui xây, xây sao cũng xong, xây kiểu gì cũng được, chẳng cần phép tắc, sơ đồ thiết kế, giấy phép xây dựng gì ráo trọi… Mà cũng lạ, sao lúc đó chả thấy các bác chính quyền xã, huyện “hỏi thăm” hay truy vấn gì cả. Nhất là việc các hộ dân tự ý lấn chiếm ra con đường trước nhà. Tui lấn đất công chứ đất của ai đâu mà sợ! Hộ này âm thầm lấn vài ba tấc, hộ khác thấy vậy cũng im lặng thêm tí cho đủ mét luôn, chả ai “đụng chạm” gì ai, trong khi chỉ khoảng 30-40% số hộ ở đây là có đầy đủ giấy tờ nhà đất hợp pháp. Thế là từ con đường rộng thoáng, ngày qua tháng lại bị các hộ dân hai bên đường “xà xẻo” lấn chiếm mà chẳng ai… hay biết (?!).

Vài năm trước đây, tỉnh có kinh phí đầu tư nâng cấp con đường tỉnh lộ ngang xã, dân làng bỗng dưng… “trúng mánh” nhờ vào tiền đền bù giải toả. Qua đo đạc, khảo sát, chiều ngang con đường có từ trên 50 năm là 30 m (với lề mỗi bên hơn 10m), nay bình quân chỉ còn khoảng 15 m. Ngành chức năng mới thiết kế mở rộng con đường lên 17 m, gồm lòng đường 14 m, lề mỗi bên đường 1,5 m… nhưng khi thi công, thì lề đường có đoạn rộng chưa tới 0,5 m… hết sức khó khăn. Đó là chưa kể quá trình vận động, dân vận của chính quyền để thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Thôi thì bù lu bù loa, có khi lại bất hợp tác với chính quyền. Cuối cùng thì thiệt hại chỉ thuộc về… Nhà nước, còn dân “gian” thì nhờ to họng “la làng” nên lúc nào cũng được phần hơn, cười ra nước mắt!

Bây giờ thì bộ mặt làng xã đã đổi thay ghê lắm rồi, từ một xã thuần nông, địa phương giàu lên nhờ phát triển thương mại–dịch vụ, nhất là cư dân hai bên đường tỉnh lộ. Đúng vậy, phải nói rằng nhờ đầu tư, nâng cấp con đường nhựa láng xuyên ngang xã mà đời sống người dân khá hẳn lên. Giờ thì nhiều hộ dân “gian” mới tiếc nuối, phải chi lúc đó mình đừng lấn chiếm nhiều ra mặt đường thì nay dân làng, mà chính là gia đình mình có được con đường rộng thoáng, thuận lợi nhiều hơn cho việc kinh doanh làm giàu, nhỉ!