Hỏi - đáp về luật tố tụng hành chính năm 2015

 Hỏi: Luật Tố tụng hành chính Quốc hội ban hành ngày, tháng, năm nào và ngày có hiệu lực thi hành?

Đáp: Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 25-11-2015 có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2016 và thay thế Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Hỏi: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 ban hành theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, vậy nhiệm vụ là gì?

Đáp: Nhiệm vụ là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.

Hỏi: Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm đối tượng nào?

Đáp: Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm các đối tượng sau đây:

- Quyết định hành chính.

- Quyết định hành chính bị kiện (bổ sung mới so với Luật Tổ tụng hành chính 2010).

- Hành vi hành chính.

- Hành vi hành chính bị kiện (bổ sung mới so với Luật Tổ tụng hành chính 2010).

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

+ Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức, được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Văn bản có thể bằng Quyết định, Công văn, Thông báo, Báo cáo, Kết luận... mà trong đó có quyết định một vấn đề cụ thể đối với một người hoặc nhiều người.

+ Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại Quyết định hành chính mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hành vi hành chính là hành vi (việc làm) của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Đây là việc làm của cơ quan, cá nhân trong cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước nhưng thực hiện trái quy định hoặc không thực hiện gây khó khăn, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.

+ Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại hành vi hành chính mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối công chức thuộc quyền quản lý của mình.

Như vậy, các quyết định kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm không là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.