Kinh tế biển, nhìn từ sự phát triển nghề cá

(NTO) Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, trước bức tranh phong cảnh hữu tình và cuộc sống sinh động của ngư dân trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận biển quê hương ngày càng đổi mới nhờ sự phát triển của nghề cá.

 
Cảng Cà Ná. Ảnh: Mai Dũng

Trong nghề cá tỉnh nhà, những năm qua có 2 sự kiện tạo chất xúc tác đáng chú ý, một là năm 2013, HĐND tỉnh thông qua Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013–2020”, hai là việc triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Thực hiện đề án của tỉnh nói trên, lĩnh vực khai thác hải sản đang có những chuyển biến tích cực. Đơn cử nếu năm 2015, nghề cá tỉnh ta chỉ có 66 tàu cá khai thác khơi xa, thì cuối năm 2016 đã tăng lên 159 chiếc (trong đó có 139 tàu khai thác, 20 tàu dịch vụ). Hoạt động hợp tác khai thác trên biển được đẩy mạnh, hiện tỉnh ta đã thành lập được 145 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 885 tàu cá tham gia. Đặc biệt qua 2 năm triển khai thực hiện NĐ số 67, trong số 40 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, trừ 10 dự án rút tên không thực hiện, hiện tại đã có 12 dự án đóng mới tàu cá hoàn thành (8 tàu đóng năm 2015 đã hoạt động; 4 tàu mới hạ thủy đang hoàn thiện trang thiết bị); 8 dự án đóng mới tàu cá đang thi công, dự tính đến hết quý I-2017 sẽ hoàn thành.

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải
ở thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải) phục vụ khai thác xa bờ.Ảnh: V.M

Với bờ biển dài 105 km trải dọc theo địa bàn 5 huyện, thành phố, có diện tích vùng đặc quyền kinh tế 24.480 km2 và vùng biển nội thủy 1.800km2, ngành Thủy sản có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế biển của tỉnh ta, trong đó tập trung nhất tại các huyện Ninh Hải, Thuận Nam và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản/năm, vùng biển tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn. Trong vụ khai thác cá năm 2016, dù thời tiết, ngư trường có những lúc không thuận lợi, nhưng ngư dân tỉnh nhà vẫn chủ động đánh bắt hiệu quả, với tổng sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh ước khoảng 88.936,2 tấn, vượt 7,71% kế hoạch và tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả như trên, theo Kỹ sư Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, điểm nhấn chính là nhờ sự phát triển của năng lực tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.753 tàu cá, với tổng công suất 296.008 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên có 980 chiếc (257.044 CV), chiếm 35,6% số tàu thuyền và 86,84% tổng công suất. Như vậy so với năm 2010, công suất tàu cá đã tăng thêm khoảng 104.000 CV.

Không chỉ khai thác hải sản, vùng biển tỉnh ta do độ mặn ổn định, môi trường biển trong sạch, có nhiều bãi rạn san hô làm nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn nên có lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy năm 2016 do yếu tố thị trường làm giảm sản lượng tôm thịt (chỉ đạt 80% kế hoạch năm), nhưng hoạt động NTTS vẫn gây ấn tượng bởi hướng phát triển mới, thể hiện qua sự phong phú, đa dạng đối tượng nuôi; đặc biệt là khai thác và sử dụng được tiềm năng diện tích đất và mặt nước để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo anh Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, những năm qua, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận ngày càng được người NTTS cả nước biết đến. Nếu năm 2011, sản lượng tôm giống đạt 12,7 tỷ con, thì năm 2016 con số ấy đã là 21,8 tỷ con (trong đó có 17 tỷ con tôm thẻ giống và 4,8 tỷ con tôm sú giống), vượt 1,4% kế hoạch năm; vượt xa so với kế hoạch bình quân 11,5 tỷ con giống/năm của giai đoạn 2011-2015, chưa kể còn có hàng chục triệu con giống thủy sản khác cũng được sản xuất phục vụ NTTS.

Cảng cá Ninh Chử (Ninh Hải) được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển
của ngành Thủy sản.Ảnh: Thanh Long

Nhìn chung trong những năm qua, nghề cá tỉnh ta luôn duy trì mức tăng trưởng, với tốc độ nhanh, bình quân mỗi năm tăng 9,2%. Với việc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, Thủy sản đã cho thấy vị thế quan trọng và sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Cuối tháng 10-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/TU “Về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, xác định mục tiêu tập trung ưu tiên đầu tư phát triển khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản. Theo đó, nhằm thực hiện hiệu quả NQ số 07-NQ/TU, trong giai đoạn 2016-2020, Sở NN&PTNT đề ra mục tiêu phấn đấu hằng năm tăng giá trị sản xuất thủy sản 7-8%, huy động tốt nhất mọi nguồn lực cho khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2020 thủy sản chiếm 34-35% trong tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển.

Thực hiện nhiệm vụ trên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trước mắt trong năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu khai thác 92.830 tấn hải sản các loại, nuôi trồng đạt sản lượng 10.200 tấn thủy sản thương phẩm (riêng tôm thương phẩm là 7.000 tấn) và sản xuất 22,1 tỷ con giống thủy sản (chủ yếu là tôm post). Với việc tập trung phát triển ngành Thủy sản tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế biển, tỉnh ta đang tạo tiền đề xây dựng thương hiệu biển Ninh Thuận trong tương lai.