Triển vọng phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia Phước Bình

(NTO) Xã miền núi Phước Bình (Bác Ái), nơi có Vườn Quốc gia Phước Bình với hệ động thực vật phong phú, lại có điều kiện khí hậu tương đồng với xứ sở sương mù Đà Lạt. Cùng với đó là nền văn hóa đa sắc màu của đồng bào Raglai, gắn với di tích lịch sử bẫy đá Pi-năng Tắc huyền thoại… Đó là những tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

 Những “ẩn số” du lịch thú vị đang chờ du khách khám phá

Đến với xã miền núi Phước Bình, đầu tiên du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Vườn Quốc gia Phước Bình với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Dạo bước dưới những khu rừng nguyên sinh, đắm mình dưới dòng thác Gia Nhông để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ.

Điểm du lịch Suối Gia Nhông.

Được thành lập ngày 8-6-2006, với diện tích trên 19.840 ha nằm trên địa bàn xã Phước Bình, Vườn Quốc gia Phước Bình được xem là điểm đến lý tưởng dành cho du khách đam mê khám phá thiên nhiên. Với nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 240C, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, với 14 kiểu thảm thực vật rừng, trên 1.320 loài thực vật bậc cao thuộc 584 chi, 156 họ của 7 ngành thực vật khác nhau. Vườn có 75 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 36 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật có 327 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 50 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và 29 loài ghi trong danh lục đỏ của Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn Quốc gia Phước Bình được công nhận là 1 trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam và là nơi có những loài đặc hữu của khu vực Đông Dương được thế giới quan tâm như: Voọc chà vá chân đen, nơi có số lượng quần thể bò tót, nai lớn nhất trong các khu bảo tồn Việt Nam.

Xã Phước Bình là nơi sinh sống của đồng bào hai dân tộc Raglai và Churu với nền văn hóa đa đạng, mang bản sắc riêng. Sau khi khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Bà con dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ nếp sống nhà sàn truyền thống, trang phục đặc trưng vào mỗi mùa lễ hội; ẩm thực tuy không cầu kỳ nhưng rất hấp dẫn bởi hương vị của núi rừng, của tự nhiên như cơm lam, canh rau đắng… Đêm về, du khách sẽ được hòa mình vào âm thanh nhảy múa cùng tiếng mã la, một nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, thưởng thức rượu cần, giao lưu văn hóa… và tham quan di tích lịch sử bẫy đá Pi-năng Tắc, một biểu tượng tinh thần anh dũng chống giặc ngoại xâm của đồng bào Raglai.

Nhiều cơ hội và triển vọng

Có thể nói, nếu những tiềm năng trên được khai thác, đầu tư hợp lý thì việc hình thành tuyến du lịch ở xã vùng cao Phước Bình là điều không khó thực hiện. Một tín hiệu vui và đáng mừng là thời gian qua, Phước Bình đã bắt đầu phát huy được lợi thế đó, bước đầu đã hình thành được những loại hình du lịch miền núi để thu hút du khách.

Với lợi thế của mình, Vườn Quốc gia Phước Bình đã và đang phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, trekking và loại hình du lịch Homestay kết hợp với văn hóa cộng đồng… Mặc dù mới bước đầu hình thành và đi vào khai thác hoạt động du lịch nhưng Vườn Quốc gia Phước Bình đã thiết kế được 8 tuyến du lịch. Trong đó, loại hình du lịch mạo hiểm giúp du khách khám phá các kiểu rừng, quan sát các loại động vật quý hiếm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử kết hợp với việc giao lưu tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Raglai và Churu đang được đầu tư phát triển.

Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch trên mọi miền. Du lịch cộng đồng không những hấp dẫn khách du lịch, mà còn giúp người dân sở tại có thêm nhiều hướng đi mới trong sản xuất, phát triển kinh doanh các loại hình dịch vụ, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng. Hiện Vườn Quốc gia Phước Bình cũng đang phối hợp với chính quyền xã Phước Bình triển khai loại hình du lịch Homestay cho cộng đồng. Mới đây, đơn vị đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh mở lớp tập huấn cho 50 thành viên đồng bào dân tộc thiểu số của đội hướng dẫn viên du lịch cộng đồng tại địa phương có những kỹ năng cơ bản trong việc vận hành loại hình dịch vụ Homestay tại địa phương mình. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới và tổ chức McKnight–Quỹ Hỗ trợ phát triển quốc tế triển khai mô hình: Phát triển sinh kế, tăng thu nhập cho người dân bản địa trồng khổ qua rừng, chuối cô đơn; đồng thời, thành lập nhóm cộng đồng biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.

Một góc khu tác định cư xã Phước Bình.

Ông Nguyễn Khánh Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Phước Bình, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đẩy mạnh các loại hình du lịch tại xã Phước Bình, không chỉ tạo môi trường du lịch lành mạnh, mà còn tạo cơ hội sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục liên kết, phối hợp với một số công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến tham quan Phước Bình ngày càng nhiều hơn, nhằm thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Còn theo bà Pi Năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, việc phát triển các loại hình du lịch tại địa phương hiện nay có thể xem là cơ hội rất lớn để bà con nơi đây có sự chuyển biến về nhận thức và cải thiện về kinh tế. Rõ ràng xã Phước Bình đang có rất nhiều lợi thế, bên cạnh sự phối hợp phát triển của Vườn Quốc gia Phước Bình, hiện nay xã cũng đang có chủ trương quy hoạch phát triển sản phẩm đặc sản của Phước Bình, đưa vào thí điểm chợ phiên hàng tháng để giúp bà con dần làm quen với việc trao đổi, mua bán hàng hóa khi có du khách đến.

Được biết, tại Hội nghị Xúc tiến du lịch tại Phước Bình được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, đã có 4 đơn vị: Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty Du lịch Sài Gòn Travel, Công ty Du lịch Ước mơ đến từ Cần Thơ và Công ty Du lịch Sun Smile Travel đến từ Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với Vườn Quốc gia Phước Bình.

Có thể nói, du lịch Phước Bình đang đứng trước cơ hội rất lớn để “chuyển mình”. Nếu biết khai thác tốt và hợp lý thì việc hình thành được tuyến du lịch trọng điểm nơi đây sẽ giúp cho xã miền núi Phước Bình phát triển mạnh về kinh tế, đời sống của Nhân dân ngày được nâng cao. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tài nguyên rừng, tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ ngày một hiệu quả hơn.