Năng lượng sạch: Sức bật kinh tế trong tương lai

(NTO) Với đặc điểm khí hậu khá đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão nên theo khảo sát, đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB): Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời…). và đến nay, các tiềm năng đang dần được đánh thức.

 Quy phục “thần gió”

Ngày 27-8-2016, Dự án Nhà máy Điện gió (NMĐG) Trung Nam nằm trên địa bàn 2 xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) chính thức khởi công xây dựng-đây là thời khắc đánh dấu bước ngoặt của cuộc “cách mạng” năng lượng sạch trong việc đánh thức tiềm năng về gió ở tỉnh ta. Dự án NMĐG Trung Nam do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư có 45 tua-bin, với quy mô công suất 90 W, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2018 hoàn thành, với sản lượng điện hằng năm khoảng 259,7 triệu kWh, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông Trần Đức Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam, chia sẻ: Điện gió vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, các dự án điện gió không tác động đến môi trường, không ảnh hưởng đến đất đai của người dân và đặc biệt nguồn năng lượng gió không bao giờ cạn. Công ty chúng tôi quyết định triển khai dự án với mong muốn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty, mà còn đồng hành cùng tỉnh thực hiện có trách nhiệm chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Sau Dự án NMĐG Trung Nam, ngày 30-8, Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh tổ chức lễ khởi công NMĐG Mũi Dinh tại thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam). NMĐG Mũi Dinh gồm 16 tua-bin, với tổng công suất 37,6 MW,được xây dựng trên diện tích 12 ha, với nguồn vốn đầu tư 1.272 tỷ đồng do Công ty EAB (Cộng hòa Liên bang Đức) làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2017, góp phần cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Với việc khởi công 2 NMĐG đã mở ra triển vọng trong quá trình phát triển năng lượng sạch ở nước ta, cụ thể là năng lượng gió bởi tiềm năng rất lớn của Ninh Thuận. Khi 2 dự án đi vào hoạt động, sẽ giúp tăng thu ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, đây là con số ý nghĩa đối với một tỉnh còn khó khăn như Ninh Thuận. Đặc biệt, từ khi khởi công xây dựng 2 dự án trên, tiếng lành đồn xa, đã có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và đề nghị chính quyền địa phương cho phép đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, du lịch, nhất là các dự án về năng lượng sạch. Ông Đỗ Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TSV, chủ đầu tư Dự án NMĐG Đầm Nại (Ninh Hải), cho biết: Môi trường đầu tư tại Ninh Thuận đang ngày càng trở nên thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo dự kiến, vào tháng 4-2017, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng Dự án Điện gió ở Ninh Thuận, với công suất 40 MW tại Đầm Nại; sau đó sẽ phát triển Dự án Nhà máy điện mặt trời 300 MW ở khu vực phía Nam của tỉnh.

Tiềm năng được đánh thức

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng. Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã phối hợp với WB khảo sát, đánh giá mức độ nắng và gió tại địa phương. Qua khảo sát WB và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2011, năm 2013, tỉnh ta đã hoàn thiện Đề án Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, được Bộ Công Thương phê duyệt. Theo quy hoạch này, Ninh Thuận có 5 khu vực tiềm năng phát triển điện gió, giai đoạn 2011-2020 trên diện tích gần 21.500 ha, công suất điện gió dự kiến 1.429 MW, điện mặt trời quy mô 282 MW.

Hiện nay, ngoài các dự án được triển khai, trên địa bàn tỉnh ta có 7 dự án điện gió khác được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 647 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 23.612 tỷ đồng; 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất khoảng 331 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 11.418 tỷ đồng. Đối với các Dự án Điện mặt trời, đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 3 nhà đầu tư thực hiện khảo sát và lập dự án, đó là: Dự án Điện mặt trời Thiên Tân Solar, Dự án Điện mặt trời Ninh Hải 1, Dự án Điện mặt trời HBRE. Ngoài ra, hiện còn có hàng chục dự án khác đang được các nhà đầu tư như: Liên doanh Công ty TNHH Doo Sung Vina và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Bất động sản Hoàng Phúc; Công ty Tata Power Limited; Tập đoàn Tôn Hoa Sen; Tập đoàn Gold Long Thành... đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục xin đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, với quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển nền kinh tế “xanh và sạch”, hiện tỉnh ta còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước, với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020 và một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với thủy lợi như: Sông Ông, Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2... Điều đó thể hiện rõ sự quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là tiềm năng thuộc lĩnh vực năng lượng sạch.

Mới đây nhất, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ lợi thế lớn nhất của Ninh Thuận là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, tiềm năng của Ninh Thuận đã được xác định, quy hoạch cũng được xây dựng từ lâu, vấn đề ở chỗ địa phương cần xác định trọng tâm trong chiến lược đầu tư, từ đó có những ưu tiên về chính sách, đi kèm là chỉ đạo quyết liệt; cũng như có những đề xuất với Trung ương về cơ chế, tạo cú hích cho phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự an tâm, tin tưởng của các nhà đầu tư và sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh, chỉ vài năm nữa thôi, chạy song song tuyến đường ven biển và Quốc lộ 1A kéo dài từ xã Công Hải (Thuận Bắc) về xã Cà Ná (Thuận Nam), đến ranh giới tỉnh Bình Thuận là những tua-bin gió với cánh quạt khổng lồ xếp hàng thẳng tắp; với những tấm gương năng lượng mặt trời phản quang sản xuất ra năng lượng sạch cung cấp, bổ sung vào lưới điện quốc gia. Các công trình điện gió, điện mặt trời không chỉ góp phần phát triển kinh tế, đóng góp nguồn ngân sách, tạo môi trường trong sạch, mà còn là một sản phẩm du lịch đáng giá cho vùng đất nắng gió và kéo theo nhiều dịch vụ mới cho Ninh Thuận phát triển đi lên.