Lênh đênh sóng bạc… Đón xuân về

Không khí tân niên đậm mùi biển len lỏi trong từng ngõ nhỏ. Cảng Cà Ná tàu thuyền yên đậu. Lác đác vài nhà ghe hì hục giũ lưới, xếp khay, miệng ngâm nga câu chuyện phiếm.

Cũng rượu thịt, dưa hành, cũng bánh chưng, bánh tét, họ đón giao thừa nơi boong tàu, tặng nhau lời chúc phúc vẹn một mùa xuân.Tạm quên thời khắc chung vui cùng gia đình, nhiều ngư dân lặng lẽ vui xuân mới giữa mênh mông trời nước với niềm tin một mùa cá bội thu.

 Giong thuyền ngày Tết

Không khí tân niên đậm mùi biển len lỏi trong từng ngõ nhỏ. Cảng Cà Ná tàu thuyền yên đậu. Lác đác vài nhà ghe hì hục giũ lưới, xếp khay, miệng ngâm nga câu chuyện phiếm. Ngư dân làng chài nghỉ ngơi đón xuân mới sau một năm lênh đênh cùng con nước bạc.

Theo lệ làng, nội ngày 30 Âm lịch, ghe tàu nhất loạt neo bến. Sang năm mới, Mùng Ba, cúng khai cửa, ngư dân lại tiếp tục hành trình “theo đàn cá lội”. Thế nhưng, cũng không ít ngư dân, vì miếng cơm manh áo, vẫn cần mẫn dong thuyền ra khơi khi giao thừa đã cận kề. Chủ ghe Đỗ Văn Thao (38 tuổi) là một trong số những ngư dân ấy. Rời miền biển Thọ Quang xứ Quảng, anh Thao cùng gia đình vào lập nghiệp ở làng Cà Ná đã hơn 3 năm. Tết Tân Mão này là cái Tết thứ hai, anh cùng bạn thuyền đón xuân trên biển. Giọng Quảng Ngãi khó nghe, anh Thao bày tỏ: “Tết nhất người ta ở nhà với vợ con nhưng bạn thuyền tôi phần đông khó khăn, tranh thủ đầu năm làm mẻ cá lấy hên. Ngót 20 năm bám biển, quen sóng quen gió rồi. Vậy mà đi biển Tết, lòng cứ thấy nao nao. Lạ lắm, không tả nổi”.

Nhiều ngư dân bảo ra khơi mấy ngày đầu năm thường chỉ đánh bắt bằng vài phần thường nhật, nhưng bạn thuyền gặp nhau trên biển như… “bắt được vàng”, còn hẹn chào nhau ly rượu xuân.


 
Được mùa cá cơm. Ảnh: Duy Anh

Một số nhà ghe mà chúng tôi tiếp xúc nhớ lại chuyến ra khơi cuối năm…: “Màn đêm đen đặc. Trời biển một màu sâu thẳm. Đã đến lúc mọi người chuẩn bị theo luồng cá mới. Tài công cho ghe chạy chầm chậm, bạn nghề thoăn thoắt giăng lưới trước thời khắc giao thừa. Trước thềm năm mới, những ngư dân trên chiếc ghe xuân mở tiệc rộn rã với đầy đủ phong vị đất quê. Trong tiếng nhạc du dương “Happy new year…” từ tần số AM của Đài Tiếng nói Việt Nam, nỗi buồn “Tết lênh đênh” không còn hiện hữu…

Trời thương cho mẻ lưới “2 năm”…

Biển mênh mông ẩn chứa trong nó bao sự khắc nghiệt. Trong mỗi chuyến đánh bắt, nhà ghe lại chuẩn bị vàng mã, nhang, ít bánh trái. Để rồi trước khi bủa lưới, thuyền trưởng vái lạy tứ phía, khấn Thần Nam Hải, cầu cho trời yên bể lặng, lưới giăng trúng luồng cá chạy.

Thuyền trưởng Lê Công Thành (phường Đông Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) thường có cảm giác nao nao của những lần đi biển Tết. Hơn 35 năm bôn ba nghề đánh bắt cá, nhiều phen dạt thuyền tránh bão, ông Thành chưa từng có ý định bỏ cái nghiệp này. Tôi chợt nhớ có lần tàu mấy anh nhà báo đi tác nghiệp ở Trường Sa về nói, say sóng còn dễ sợ gấp mấy lần say xe. Mấy ai lần đầu tiên đi biển mà không nếm mùi say sóng, say gió trùng khơi. Tôi hình dung cái cảnh “biển một bên và xô… một bên”, tự nhiên thấy… ớn người.

Tết năm nay, chủ ghe Lê Văn Thao lại tiếp tục làm mẻ cá đầu năm. Gạo, dầu, thịt, bánh tét, dưa hành, rau muống, nước, bia, mứt…cái gì cũng “kiện kiện, thùng thùng, ni-lông, bao tải”. Chuyến “khai khơi” độ 8 đến 10 ngày nhưng vợ anh Thao chuẩn bị thứ gì cũng nhiều như đi nửa tháng. Chị giải thích: “Mấy anh em ở nhà cũng có bằng đó thứ, bây giờ ăn Tết ngoài đó thì cũng nhiều hơn chút xíu chứ mấy đâu…”. Biết vợ chu đáo cho mình và cả bạn đi, anh Thao chỉ cười. Không biết bên dưới lớp sóng bạc kia, đàn cá có rủ nhau ùa vào tấm lưới giao thời không. Trời yên bể lặng, cá đầy khoang – đó là mong muốn bình dị cũng đồng thời là nỗi thấp thỏm trong mỗi chuyến xa khơi… “Trời Xuân gió lặng, trúng luồng cá thì thả chừng 3-4 tay là đủ “sở hụi”. Được vậy coi như bù vào cái khoảng đón năm mới xa nhà rồi” Tất thảy ai cũng mong vậy.

Thay lời kết…

Mỗi nghề mỗi nghiệp. Đã là ngư phủ thì nề hà chi Tết hay ngày thường. Bám thuyền - bám biển, mong trời thương cho khoang cá đầy, mở hàng một năm thuận lợi. Dẫu biết cả lắm khi dữ dằn và khắc nghiệt vẫn không thể làm chùn bước ngư phủ. Đối với họ, biển là nguồn sống. Từ trong mỗi chuyến “du xuân” lại rạng ngời một niềm tin…