Xuân về gieo những mầm xanh

Chúng tôi trở lại Núi Ngỗng (Nhơn Sơn – Ninh Sơn) vào một buổi sáng cuối đông, khi từng cơn gió bấc vẫn bần bật thổi. Đường vào thôn xanh phớt màu mạ non, xa xa nhấp nhô màu vàng ươm lúa chín. Nhìn những cánh cò trắng phau chấp chới trên những cánh đồng ven lộ, thật khó hình dung nơi đây đã từng gọi là “rốn lũ”.

Ngôi nhà đầu thôn Núi Ngỗng vẫn còn dấu nước trên vách đất đen thẫm. Trong sân, chiếc máy cày tay còn ướt, thoảng mùi bùn nồng đượm. Một cậu bé với chén mì tôm, lon ton trong sân. Ông Nguyễn Văn Thương, chủ nhà xoa đầu con trai, cười cười bảo: “Mì cứu trợ của bà con đó…”. Chỉ tay ra đám lúa đang ngả vàng xa xa, ánh mắt ông rạng rỡ: “2 sào lúa ấy ngập nước mấy ngày, hư cũng đến 70%, nhưng tôi vẫn để lại kiếm chút lộc đầu xuân.”. Với chiếc máy cày tay, ông có thể cày thuê kiếm thu nhập hằng ngày và mua sắm vài thứ cho những ngày Tết sắp đến. Đôi mắt lão nông như ánh lên niềm tin vào cuộc sống đang dần phục hồi sau cơn lũ kinh hoàng.

Dạo vòng quanh thôn, chợt nhận ra ngôi nhà quen thuộc mà chúng tôi đã đến trong lần đi cùng đội cứu hộ, bác Trần Mẹo, chủ nhà ân cần mời chúng tôi tách trà nóng hổi. Hỏi chuyện ruộng vườn có bị ảnh hưởng nặng không, bác hơi buồn: “Thì 2 sào lúa hư hơn nửa rồi, trăm rưỡi con gà mất sạch, nho cũng không còn gì. Tết này chắc kém vui...”. Sau phút trầm tư, bác nhấp ngụm trà, rồi lạc giọng: “Nhưng dù sao thì mình vẫn đỡ hơn các tỉnh khác, kệ, ráo đâu làm đó, rầu hoài cũng vậy”.

Sau cơn lũ ...... là những mầm non của sự sống đang vươn lên.Ảnh LTr

Nắng lấp lánh in bóng hình một bác nông dân đang chăm sóc mảnh ruộng rau muống vẫn còn dấu bùn non. Bác Nguyễn Văn Quang quệt nhanh những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, cười hiền: “Đây là ruộng của em gái tôi, chớ 1 sào rưỡi đất nhà ngập cả rồi....”. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, bác phải tranh thủ đi làm thuê cho bà con trong thôn. Bác Quang bảo, dù nước trong ruộng vẫn chưa rút hết nhưng đã được cày sẵn đâu vào đó rồi, chỉ cần nắng ráo là gieo thôi. Giữa ruộng rau muống đang lấm tấm đơm những chồi xanh bên cạnh những phiến lá già nua nhuốm đầy bùn đất, nụ cười chân chất, dáng hình gầy gò, khuôn mặt đen sạm của bác khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi.

Núi Ngỗng dần xa, chúng tôi đi về phía mặt trời mọc vào vùng “rốn lũ” khác: An Hải-Ninh Phước.

Trên con đường đất vẫn còn dấu vết của lũ, bác nông dân Đỗ Khiêm (An Thạnh 2) đang lỉnh kỉnh nào cuốc, nào bình xịt trên chiếc xe đạp cũ, dừng chân nói chuyện với chúng tôi: “Tôi chuẩn bị xịt thuốc cho giàn táo sào rưỡi bị rụng trái, sẵn đánh hàng để tỉa lại sào bắp bị nước cuốn bữa trước. Mình làm nông, sống nhờ vào đất, đất còn thì mình còn, sợ gì chết đói.” - bác cười đôn hậu nói vậy, rồi lọc cọc đạp xe vào rẫy.

Chị Huỳnh Thị Thanh (An Thạnh 1) đang lúi húi nhổ cỏ giữa đám đậu xanh mới trồng, nheo mắt ngước lên nói với chúng tôi: “Lúc trước một sào đất này trồng ớt, vậy mà ngập úng chết hết cả. Tôi đang trồng đậu xanh cho kịp Tết, kiếm ít tiền sắm sửa quần áo cho con...”

Xen lẫn những vùng còn ngập nước, khắp nơi đang rộ lên màu xanh non của những chồi cây như sức sống đang dần hồi sinh trên vùng đất này. Chúng tôi thầm cảm phục những người nông dân “chân lấm, tay bùn” ấy quá đỗi, chính họ là những người góp phần gieo nên những hạt mầm cho mùa xuân quê mình thêm tươi, thêm xanh.