Diện mạo mới ở Phước Bình

(NTO) Đến Phước Bình (Bác Ái), đi trên những con đường bê-tông trải dài đến các thôn xóm, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh tươi tốt của những rẫy bắp, vườn trái cây ngút ngàn trên những sườn đồi… minh chứng cho sự “thay da, đổi thịt” ở xã vùng cao này.

Là xã xa nhất của huyện miền núi Bác Ái, có tổng diện tích tự nhiên 28.000 ha, với dân số hơn 4.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm gần 90% dân số. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế vườn-rừng, Phước Bình đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng chí Pi-năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã Phước Bình phấn khởi: Nhớ lại những năm trước đây, toàn xã chỉ có vài chục ha cây trồng chủ yếu là bắp địa phương, đậu xanh… sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, thì nay đã khác hẳn. Đặc biệt, từ khi có Chương trình 30a của Chính phủ cùng với nhiều chương trình, chính sách khác, đời sống bà con ở đây có nhiều bước chuyển đáng kể, nhất là việc sản xuất không còn manh mún, nhỏ lẻ như trước đây, mà từng bước phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại lợi nhuận cao. Chính quyền địa phương đã sát cánh hỗ trợ cùng nông dân trong việc định hướng làm ăn mới, khuyến khích, vận động bà con áp dụng khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân Phước Bình trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Sự phát triển rõ nhất trong kinh tế nông nghiệp ở Phước Bình chính là mô hình trồng cây bắp lai mạnh nhất toàn huyện, với diện tích 1.780 ha, cho năng suất ổn định từ 4-5 tấn/ha/vụ. Cùng với cây bắp, cây chuối đang là cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho người dân nơi đây, với 1 ha chuối hằng năm có thể cho năng suất gần 10 tấn. Đặc biệt, khi cây chuối được thương lái thu mua tận nơi, địa phương đã đưa cây chuối thành cây trồng chủ lực để ưu tiên vận động nông dân mở rộng diện tích trồng lên 741 ha. Nhờ vào cây chuối, nhiều hộ gia đình không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá giả ở địa phương. Bên cạnh đó, Phước Bình còn phát triển mạnh các loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Là người tiên phong trong việc đưa cây bưởi da xanh vào trồng ở địa phương, ông Đơn gur Hà Cây, thôn Bạc Rây 2, cho biết: Giữa năm 2008, gia đình được Vườn Quốc gia Phước Bình hỗ trợ 150 cây giống trồng trên diện tích 8 sào. Vừa qua, vườn bưởi đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi trái từ 1,5-2kg, được thương lái thu mua với giá hơn 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 30 triệu đồng… Nhận thấy thu nhập từ cây ăn quả ổn định, nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây này, nâng tổng diện tích toàn xã lên 72 ha. Trong đó, bưởi da xanh chiếm 42 ha, sầu riêng 17 ha, còn lại là cây ăn trái khác, tập trung nhiều ở thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2, Hành Rạc… Từ những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Hệ thống cầu đường được Nhà nước đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân xã Phước Bình.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài phát triển kinh tế, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trên địa bàn xã có rất nhiều công trình dân sinh được đầu tư phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Đồng chí Pi-năng Thị Cô cho biết thêm: Các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm… không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, mà quan trọng hơn đã thổi luồng “sinh khí” giúp đồng bào có thêm động lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về kinh tế-xã hội giữa miền núi với miền xuôi. Toàn xã hiện có trên 95% đường giao thông nông thôn được bê-tông, trên 95% số hộ dân có điện và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em đi học đúng độ tuổi. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-5%... Mới đây, câu chuyện xã Phước Bình nhường phần gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ cho địa phương khác trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, càng cho thấy sự no ấm của bà con nơi đây, thể hiện tinh thần chia sẻ với cộng đồng trong những lúc khó khăn.

Rời Phước Bình khi trời đã về chiều, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà con chở chuối, bắp vừa mới thu hoạch về nơi tiêu thụ, càng khiến chúng tôi thấy phấn chấn và tin tưởng vào sự chuyển mình của Phước Bình. Với truyền thống của một vùng đất anh hùng và với những thành tựu đã đạt được, nhất định nơi đây sẽ ngày càng trù phú…