Dấu tích Hoàng thành Thăng Long được làm rõ thêm

Kết quả khảo cổ mới trong năm 2016 vừa được công bố đã làm rõ thêm những dấu tích mới của Hoàng thành Thăng Long-Di sản Văn hóa thế giới.

Sau gần 1 năm thăm dò, khai quật và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 28/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016.

Cuộc khai quật khảo cổ học đã làm rõ tầng văn hóa dày gần 4 m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX) ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2012, cuộc khai quật năm 2016 đã làm rõ phần cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có sân đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ (thế kỷ XV) và Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).

Các đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long được thực hiện từ năm 2008. Nguồn ảnh: Hà Nội Mới

Đặc biệt, kết quả khảo cổ mới đã làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc thời Lý đang phát triển kéo dài về phía quảng trường Đoan Môn và phát hiện thêm các loại móng cột mới. Các phát hiện khảo cổ năm 2016 tiếp tục cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc không gian chính điện Kính Thiên và góp phần làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới này.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, kết quả khai quật của năm 2016 đã làm rõ thêm một số dấu tích mà rõ nhất là thành Đại La. Dấu tích thời Lê cũng được làm rõ 2 tầng khúc của thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, trong đó khu vực Đoan Môn hiện nay, nơi mà các nhà khoa học vẫn lầm tưởng đó là thời Lê Sơ nhưng cuộc khảo cổ năm 2016 đã đưa ra kết luận đó là từ thời Lê Trung Hưng.

Công tác khảo cổ học năm 2016 vẫn chứng minh rằng, di tích thời Lý là phồn thịnh nhất và có tính thống nhất chặt chẽ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm các móng được gia cố bằng sỏi và bằng sành. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu tích của một đường ống nước lớn chạy về phía Nam Cấm thành, đường nước này được các nhà khảo cổ giả thiết sẽ chảy qua phía quảng trường Đoan Môn, tiến về phía cột cờ. Điều đó chứng tỏ quy mô hoành tráng, vững chắc của kinh thành Thăng Long xưa.

Một trong những thành quả đáng kể của các nhà khảo cổ trong năm 2016 là bước đầu làm rõ các kiến trúc thời Lý ở dạng kiến trúc hành lang theo hướng Đông - Tây và có thể kết nối theo hướng Bắc - Nam. Do vậy, có thế dự đoán, kiến trúc Lý ở đây có một kiến trúc cổng lớn và trục chính tâm. Kiến trúc hành lang có thể phát triển về phía quảng trường Đoan Môn bao quanh khu vực Trung tâm phía trước Đoan Môn.

Hiện nay, dựa trên những phân tích khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã xây dựng bản vẽ tạm kiến trúc hành lang, trụ cột của khu vực điện Kính Thiên.

Nguồn www.chinhphu.vn