“Sống đẹp” nơi công cộng

(NTO) Giao tiếp, ứng xử là một trong những yếu tố quan trọng kết nối các mối quan hệ xã hội. Thông qua giao tiếp, ứng xử, mỗi cá nhân sẽ bộc lộ tính cách, lối sống và hành vi ứng xử của mình. Giao tiếp, ứng xử có văn hóa giúp kết nối bền chặt các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh luôn được cộng đồng xã hội xem trọng.

Xã hội ngày càng phát triển, cùng với bùng nổ công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho con người trong duy trì, kết nối các mối quan hệ xã hội. Cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ ngày càng năng động, mạnh dạn, tự tin hơn trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội lẫn giao tiếp. Mặc dù vậy, việc trau dồi, rèn luyện văn hóa ứng xử nơi công cộng đâu đó vẫn còn bị xem nhẹ, đặc biệt là giới trẻ…

Hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ như nói năng, nô đùa ầm ĩ, thể hiện cảm xúc thái quá nơi công cộng; thiếu ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; chen lấn khi xếp hàng; vứt rác bừa bãi nơi công cộng… Đặc biệt, trong tham gia giao thông, khi xảy ra va quẹt, nhiều người tỏ thái độ bình thản, thậm chí quay ngược đổ lỗi, gây gổ với “nạn nhân” và việc nói lời xin lỗi trong tình huống này lâu nay đã trở thành điều xa xỉ với nhiều bạn trẻ. “Lời nói chẳng mất tiền mua”, nhưng để ứng xử cho vừa lòng người, hợp lòng mình có chăng là “khó” với nhiều bạn trẻ… Những hành vi này đã tạo ra thói quen xấu cho cộng đồng, giới trẻ, ảnh hưởng đến môi trường sống văn minh của xã hội, khiến những “nạn nhân” lẫn người chứng kiến bao lần phải lắc đầu ngao ngán… Lý do của những hành vi trên có lẽ xuất phát từ suy nghĩ “nơi công cộng không phải của mình, sao lại quan tâm” của khá nhiều người. Phải chăng, có một sức ỳ trong việc học hỏi hỏi, rèn luyện kỹ năng ứng xử có văn hóa, hay đang có một lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ ngày nay?

Thiết nghĩ, nâng cao văn hóa ứng xử, “sống đẹp” nơi công cộng là vấn đề cần được cộng đồng xã hội quan tâm, có ý nghĩa lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của mỗi cá nhân và cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, văn hóa. Để xây dựng cộng đồng văn minh và ứng xử văn hóa, “sống đẹp” nơi công cộng, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, trau dồi kỹ năng ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa, tôn trọng mọi người xung quanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Đặc biệt, giáo dục văn hóa ứng xử và nhất là ở nơi công cộng nên trở thành chủ đề giáo dục của gia đình, nhà trường và đoàn thể địa phương. Trong đó, cần phát huy vai trò gương mẫu của người lớn, các bậc phụ huynh và thầy, cô giáo hãy là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa mọi lúc, mọi nơi để giới trẻ noi theo. Song song đó, cần hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử phù hợp để các bạn trẻ có thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng mọi người và tham gia thực hiện nếp sống văn minh đô thị.