Giải pháp xây dựng cánh đồng lớn

(NTO) Xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) là giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngày 25-11-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 391/QĐ-UBND quy định tiêu chí CĐL. Cơ chế, chính sách đã được “khai thông”, nhưng đến nay chương trình xây dựng CĐL vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Chủ trương xây dựng CĐL dựa trên cơ sở triển khai có hiệu quả các mô hình trình diễn đem lại nhiều lợi ích cho nông dân như mô hình liên kết sản xuất lúa giống ở HTX Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước); liên kết sản xuất gạo sạch ở HTX Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước). Các cánh đồng này áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư mạnh về cơ giới và thủy lợi, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao. Mô hình liên kết sản xuất với ưu điểm hai bên đều được hưởng lợi cao nhất; trong đó, nông dân được cung cấp dịch vụ sản xuất theo chuỗi giá trị từ giống, làm đất, thu hoạch, bảo quản nên được bà con hưởng ứng cao.

 

 
Xây dựng cánh đồng lớn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, hướng sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Tính ưu việt của hình thức liên kết sản xuất trên quy mô lớn đã rõ, tuy nhiên đối chiếu với tiêu chí CĐL vẫn chưa đạt. Theo quy định của Quyết định 391, diện tích CĐL đối với sản xuất lúa phải đạt từ 100 ha trở lên, trong khi mô hình liên kết sản xuất thực hiện thời gian qua ở địa bàn huyện Ninh Phước quy mô dưới 10 ha. Một số mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP có sự đầu tư lớn của Dự án QSEAP về hạ tầng, quy mô diện tích, kỹ thuật canh tác, nhưng vẫn không đạt tiêu chí CĐL do chưa có sự tham gia của doanh nghiệp ở các khâu trong chuỗi giá trị.

Khó khăn dẫn đến chương trình xây dựng CĐL “bế tắc” xuất phát từ việc nông dân còn ảnh hưởng tập quán sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Khảo sát tình hình sản xuất của ngành Nông nghiệp ở huyện Ninh Phước cho thấy mặc dù địa bàn là vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh, nhưng phần lớn các hộ chỉ có dăm ba sào, việc vận động bà con “dồn điền” thành CĐL đang gặp khó. Doanh nghiệp được xác định là thành phần quan trọng quyết định sự thành công của chương trình xây dựng CĐL lại ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực vốn còn nhiều rủi ro.

Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tiếp tục phát triển mô hình CĐL, giải pháp đầu tiên là vận động các hộ có ruộng liên kế “dồn điền” thông qua HTX cùng sản xuất một loại cây trồng; đồng thời, xây dựng mô hình điểm cánh CĐL ứng dụng công nghệ cao từ đó nhân rộng ra. Vùng lúa Phước Hậu, Phước Thái (Ninh Phước) được chọn triển khai mô hình trong năm 2017 có đầy đủ điều kiện đáp ứng được tiêu chí CĐL. Hướng đến thực hiện mô hình có hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa rộng, huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các hộ nông dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia xây dựng CĐL, từ đó chủ động liên kết thực hiện; đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp có thực lực tham gia chương trình với vai trò “cầm chịch”. Điều đáng mừng là nông dân rất đồng tình với chủ trương xây dựng CĐL của tỉnh, cam kết thông qua HTX sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đúng quy trình kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng.

Công tác quy hoạch vùng sản xuất, thành lập HTX phục vụ xây dựng CĐL đã sẵn sàng, tuy vậy cái khó hiện nay là doanh nghiệp chưa thực sự tích cực tham gia. Nguyên nhân được xác định là do doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xây dựng CĐL, tính “kỷ luật” của một bộ phận nông dân chưa cao. Thực tế chương trình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong các mùa vụ qua vẫn còn không ít hộ phá vỡ hợp đồng nếu như có biến động về giá cả tăng. Tích tụ ruộng đất và chính sách tín dụng chưa được khai thông bởi mức quy định hỗ trợ không cụ thể cũng là “nút thắt” chưa tháo gỡ được khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp. Khắc phục tồn tại này, ngành Nông nghiệp đề xuất tới đây khi triển khai mô hình điểm ở Ninh Phước các doanh nghiệp nên ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ chức như HTX, THT. Huyện linh động lồng ghép các nguồn vốn tạo điều kiện hỗ trợ việc thành lập liên kết xây dựng CĐL gắn với thu mua, chế biến của doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết xây dựng CĐL gắn với thu mua, chế biến của doanh nghiệp nhằm thu hút các thành phần tham gia chương trình.