Vai trò hội nghề cá đối với sự phát triển của ngành thủy sản tỉnh

(NTO) Là tổ chức xã hội nghề nghiệp có tính chất tự nguyện, Hội Nghề cá tỉnh có trách nhiệm tác động phát triển nghề cá trong tỉnh nói chung và của từng địa phương, cơ sở nói riêng. Nhìn lại nhiệm kỳ IV (2011-2016), có thể thấy rõ sự nỗ lực của Hội trong công tác vận động các chi hội, hội viên, ngư dân duy trì và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cả trong lĩnh vực khai thác hải sản lẫn nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Theo Ban Chấp hành (BCH) Hội Nghề cá tỉnh, sau 5 năm hoạt động, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 26 chi hội với khoảng 2.000 hội viên; trong đó, đáng ghi nhận là việc hướng dẫn, khuyến khích 13 hội viên trong và ngoài tỉnh có tiềm lực kinh tế, có đam mê tìm tòi, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tham gia liên kết thành nhóm G9 cùng chí hướng, giúp nhau làm giàu, nâng cao hiệu quả sản xuất. BCH Hội xác định nhiệm vụ đầu tiên cũng là nhiệm vụ chính của 2 năm đầu nhiệm kỳ là phải củng cố, xây dựng lại tổ chức, bộ máy của Hội. Kể từ tháng 2-2012, Hội bắt đầu cùng các huyện, thành phố xúc tiến thành lập lại các chi hội tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh nhớ lại: Ngoài duy trì họp định kỳ, BCH còn có những cuộc họp đột xuất để vận động thành lập các chi hội là các tổ chức công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Thường trực Hội tiếp cận cơ sở nắm tình hình và vận động chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho người sản xuất tham gia thành lập chi hội và thực hiện mô hình sản xuất mới.

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite của ngư dân Nguyễn Đức Hải
ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) được hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Mai Dũng

Phát huy vai trò của mình, Hội Nghề cá tỉnh trong nhiệm kỳ IV đã theo sát thực tế sản xuất, kinh doanh của hội viên, kịp thời có nhiều đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Đơn cử Hội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đào tạo cấp bằng thuyền, máy trưởng cho 17 trường hợp ngư dân khai thác xa bờ. Mặt khác, Hội động viên ngư dân thay đổi tập quán, chủ động kiêm nhiều nghề trên một đơn vị tàu thuyền để nâng cao hiệu quả sản xuất và Hội cũng kịp thời tư vấn pháp luật cho hội viên trong một số trường hợp hợp đồng mua bán, làm ăn, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Thông qua các chi hội thành lập mới, bước đầu Hội đã tập hợp được hội viên, phổ biến, khuyến khích và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới; hướng dẫn hội viên thành lập tổ, đội đoàn kết trên biển, chuyển đổi nghề phù hợp xu hướng mới, đóng tàu lớn, tham gia khai thác xa bờ và hướng dẫn hội viên các thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tính đến cuối năm 2016, ngư dân tỉnh ta có 159 chiếc tàu tham gia khai thác xa bờ, thành lập được 145 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 885 tàu cá thành viên, đánh dấu bước phát triển mới của nghề khai thác hải sản.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản, trong lĩnh vực NTTS, Hội Nghề cá tỉnh đã phối hợp ngành chuyên môn, xuống tận cơ sở kịp thời khuyến cáo, tìm tòi, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trị bệnh tôm, tẩy trùng môi trường, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất các giống mới như tôm thẻ chân trắng, cá chim vây vàng, cua xanh, giới thiệu công nghệ nuôi mới ứng dụng kỹ thuật biofloc trong nuôi thương phẩm tôm… Trong hoạt động sản xuất tôm giống, các hội viên cũng có nhiều đóng góp quan trọng khi đưa sản lượng tôm giống giai đoạn 2011-2016 đạt khá cao, mỗi năm từ 18-25 tỷ con tôm giống. Riêng lĩnh vực khai thác hải sản, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, Hội Nghề cá tỉnh tranh thủ vận động ngư dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả đánh bắt và tự nguyện thường xuyên duy trì hoạt động nhằm góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Sở NN&PTNT tham gia tư vấn, phản biện xây dựng quy hoạch chi tiết NTTS tỉnh giai đoạn 2010-2020; Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh giai đoạn 2013-2020.

Mùa đánh bắt hải sản của ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam)

Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, để đóng góp vào sự phát triển ngành Thủy sản tỉnh nhà, trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ V (2017-2021), Hội Nghề cá tỉnh sẽ phối hợp ngành NN&PTNT tổ chức lại sản xuất thủy sản vùng quanh đầm Nại theo quy hoạch đã được phê duyệt năm 2013 và tổ chức NTTS theo chuỗi giá trị. Hội tiếp tục phối hợp động viên ngư dân triển khai tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng xa bờ, liên kết theo chuỗi giá trị và theo tổ đội. Để phát triển hội viên và hoạt động tổ chức hội ở cơ sở, Hội Nghề cá tỉnh sẽ chú trọng phát triển thêm hội viên ở khu vực khai thác hải sản, nhất là ở các tổ, đội đoàn kết, ở lĩnh vực chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản; đặc biệt, Hội sẽ thúc đẩy, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh vận động, hướng dẫn thành lập nghiệp đoàn nghề cá cho các tổ đội khai thác biển xa. Mục tiêu đến hết nhiệm kỳ sẽ thành lập thêm khoảng 25 chi hội, với khoảng 500 hội viên.