CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Thêm “điểm nhấn” cho du lịch của tỉnh!

(NTO) Tin vui đến với tỉnh nhà nói chung, du lịch Ninh Thuận nói riêng đó là ngày 22-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 7) năm 2016.

Theo Quyết định này, có 13 di tích của nhiều tỉnh được xếp hạng thì tỉnh ta có 2 di tích, gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Đây thực sự là “điểm nhấn” quan trọng để du khách trong và ngoài nước thêm một lần khẳng định điểm cần phải đến trên bản đồ du lịch quốc gia để chiêm ngưỡng, khám phá cũng như thả sức “tưởng tượng” về những huyền tích từ hai di tích vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận nêu trên. Đồng thời, qua đó sẽ hướng du khách đến với những nét truyền thống còn lưu giữ của đồng bào Chăm như các làng nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á Bàu Trúc; lễ hội nổi tiếng Ka tê…

Du khách tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Theo đánh gia chung, tính khác biệt, độc đáo đặc sắc riêng có của Ninh Thuận ở chỗ ngoài thế mạnh có bờ biển dài 105,8 km với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy,...Ninh Thuận đang còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa và nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và làm đồ gốm của người Chămpa còn nguyên sơ và độc đáo. Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô trên cát…

Từ tiềm năng trên, định hướng phát triển du lịch của tỉnh là theo hướng toàn diện, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, tập trung khai thác tốt nhất lợi thế về du lịch biển và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Thuận. Ưu tiên loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng…; đầu tư hạ tầng làng nghề gắn với phát triển du lịch… Phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 2,4 triệu lượt du khách, chiếm 8% GDP của tỉnh.

Có thể nói, tiềm năng du lịch của tỉnh rất đa dạng và phong phú về nhiều loại hình, tạo nên lợi thế so sánh trong khu vực...Thế nhưng, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực quả là không dể dàng bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố nội tại. Năm 2016 du lịch của tỉnh có khởi sắc, thu hút được trên 1,7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, đạt doanh thu xã hội trên 750 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo những nhà làm du lịch chuyên nghiệp cũng như du khách thì đều có nhận xét: Chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh còn hạn chế, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp địa phương chưa cao, giá cả một số khâu dịch vụ còn cao so với các địa phương trong khu vực dẫn tới sức cạnh tranh kém. Hay nói khác hơn, du lịch Ninh Thuận còn thiếu rất nhiều thứ nên chưa “níu chân” được du khách. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch khá nổi tiếng trong nước đánh giá rằng biển Ninh Thuận đẹp nhưng chưa sạch, hải sản phong phú nhưng chưa có loại hình ẩm thực độc đáo, các sản phẩm lưu niệm hầu như trống vắng…Vị này còn gợi ý: Ninh Sơn có vùng cây ăn trái Lâm Sơn rất phong phú, nếu mở các tuyến du lịch nhà vườn, kết hợp tham quan thác nước Sa Kai, Chapơ… thì thế mạnh du lịch sẽ được phát huy. Cũng có người cho rằng, tỉnh cần đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho một số làng để khôi phục và phát triển đội ngũ diễn viên nghiệp dư biểu diễn văn hoá Chăm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là tổ chức biểu diễn văn hoá Chăm ngay tại các tháp Pô Klong Garai, khu công viên biển Bình sơn, bảo tàng, Tượng đài... sẽ thực sự lôi cuốn và hấp dẫn du khách đến nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận...

Để khai thác các thế mạnh du lịch của tỉnh xin dẫn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo ngày 23-12 vừa qua, đó là: “Ngành du lịch phải tự xem lại mình so với thế giới, chỉ ra những điểm yếu kém nhất để tập trung khắc phục, cải thiện. Từng năm cần đánh giá mức độ tiến bộ đến đâu, chuyển biến những gì…”