Triển khai công tác rà soát nhu cầu hỗ trợ cấp bách khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra

(NTO) Ngày 23-12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai công tác rà soát nhu cầu hỗ trợ cấp bách khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Từ ngày 2-12 đến 19-12, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 đợt lũ trên báo động II-III, gây ngập lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Mưa lũ đã làm sập, hư hỏng 51 ngôi nhà; hơn 9.997,8 ha cây trồng bị thiệt hại; hơn 4.980 con trâu, bò, dê, cừu, gia cầm bị chết; về thủy sản, mưa lũ làm 94 lồng, bè nuôi (tôm hùm, cá biển, ốc hương) bị chết; 221 ha tôm bị thiệt hại; về diêm nghiệp bị thiệt hại 177 ha. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, hư hỏng 29 công trình thủy lợi, 13 công trình giao thông trọng điểm, nhất là tuyến đường ven biển, gây khó khăn trong việc đi lại. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ ở Ninh Thuận lên đến hơn 320,7 tỷ đồng (trong đó, thiệt hại về nông, lâm, thủy sản 161,76 tỷ đồng, thiệt hại về giao thông, thủy lợi, nhà cửa và các thiệt hại khác 158,94 tỷ đồng).

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các ngành, địa phương sử dụng ngân sách dự phòng hoặc tạm ứng của nhà thầu để sửa chữa, khắc phục thiệt hại theo cơ chế phòng chống thiên tai để giúp Nhân dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách dự phòng của tỉnh rất eo hẹp, vì đã sử dụng một phần ứng phó hạn hán kéo dài 6 tháng đầu năm 2016. Vì vậy, tỉnh cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để khắc phục hậu quả do mưa lũ xảy ra với kinh phí khoảng 135,24 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, 4 vấn đề được quan tâm nhất hiện nay, đó là hỗ trợ, sửa chữa nhà bị sập; hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất vụ đông-xuân; hỗ trợ thuốc để tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường không để dịch bệnh phát sinh sau lũ; sửa chữa, khắc phục một số công trình giao thông, thủy lợi ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên địa bàn.

Sau khi nghe các ý kiến của các ngành, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với các địa phương, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ động dùng quỹ dự phòng ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đối với các công trình hạ tầng giao thông thủy lợi, tỉnh sẽ cân đối các nguồn quỹ để sửa chữa, khắc phục, ưu tiên các công trình cấp bách; đối với sửa chữa nhà ở của người dân bị sập, hư hỏng, ưu tiên dùng nguồn quỹ của Ủy ban MTTVN tỉnh để hỗ trợ một phần cho các hộ có nhà bị sập, hư hỏng; đối với môi trường, các địa phương bị ngập lụt chủ động phối hợp với Sở Y tế đề xuất cấp phát thuốc dự phòng để xử lý tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.

Cũng tại cuộc họp, UBND tỉnh đã thành lập 6 Tổ công tác, trong 2 ngày 24 và 25-12, đến 6 huyện rà soát nhu cầu hỗ trợ cấp bách, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, thống kê tình hình thiệt hại tổng hợp gửi về Sở NN&PTNT-Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Riêng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm chủ động thống kê thiệt hại, rà soát, xử lý khắc phục.