Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính Phủ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị toàn quốc về thi đua-khen thưởng

Ngày 23/12 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Hội đồng Thi đua-khen thưởng Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua, đã tạo sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Hội đồng Thi đua-khen thưởng cũng thẳng thắn nhận định, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua chưa được coi trọng, việc sơ kết và tổng kết chưa kịp thời.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 với công tác này. Đó là, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, làm rõ những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, chú ý khen thưởng trực tiếp cho người lao động trực tiếp ở cơ sở như công nhân, nông dân, chiến sĩ.

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần có kế hoạch phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bảo đảm dân chủ trong bình chọn các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng. Thực hiện việc xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan, vượt cấp, phải vận dụng các quy định của pháp luật trong khen thưởng.

“Cần hết sức lưu ý khi đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, doanh nghiệp, doanh nhân. Trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, phối hợp với các cơ quan để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các quy định của pháp luật, nghĩa vụ đóng góp đối với Nhà nước và chịu trách nhiệm khi trình khen thưởng”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Do đó, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện tốt chức năng, tham mưu, thẩm định hồ sơ khen thưởng bảo đảm quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian theo quy định. Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Thuế, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, môi trường và cơ quan truyền thông trong việc nắm bắt thông tin, lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ

Chiều 23/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Tổ nhằm đánh giá việc thực hiện trong thời gian qua.

Số liệu do Bộ Tài chính cung cấp cho thấy, sau Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP của Chính phủ trong tháng 7/2016 và Công điện số 2144/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10, tiến độ giải ngân của 5 tháng cuối năm đã mạnh hơn nhiều so với trước đó.

Cụ thể, tính tới hết tháng 11 của năm 2016, việc giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước đã gấp 2 lần so với hồi đầu tháng 7/2016. Ước 12 tháng giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước được 109.094 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 77,8% kế hoạch, vốn ngoài nước đạt 90% kế hoạch.

Về vốn trái phiếu Chính phủ, giải ngân 11 tháng được 22.129 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch, gấp hơn 2 lần so với thời gian hồi đầu tháng 7. Ước 12 tháng cả nước giải ngân được 31.800 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch của năm 2016.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết một số bộ, ngành địa phương giải ngân còn chậm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng, tốc độ giải ngân của những tháng cuối năm không đủ bù đắp lại sự chậm trễ của những giai đoạn đầu năm. Mặc dù Luật Đầu tư công quy định tới ngày 30/1/2017 mới hoàn thành thanh toán, giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 nhưng với tình hình như hiện nay thì sẽ không đạt giải ngân 100% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sốt ruột khi số vốn dư 16.000 tỷ đồng từ 2 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa được Bộ Giao thông vận tải giải ngân mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn thực hiện từ tháng 10 vừa qua.

Nguyên nhân của sự chậm trễ được Phó Thủ tướng chỉ ra là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn, trong áp dụng và thực thi pháp luật, sự trì trệ của bộ máy, thiếu chuyên nghiệp, thể hiện sự phối hợp chưa chặt chẽ của các Bộ, ngành với nhau.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2016 và thúc đẩy giải ngân trong năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì và phối hợp với các Bộ rà soát các vấn đề liên quan tới quy định của pháp luật, phân định rõ từng vướng mắc là do luật, nghị định, thông tư, hay không vướng mắc pháp luật mà vướng vì nhận thức của cán bộ và áp dụng pháp luật để tăng cường tháo gỡ, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương.

Trong việc sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường phân cấp trong phê duyệt thẩm định dự án; tiếp tục khắc phục những vướng mắc giải phóng mặt bằng, phối hợp các bộ ngành trong triển khai các dự án đầu tư công.

Với các bộ, ngành, địa phương giải ngân được 50% vốn kế hoạch thì phải kiểm điểm nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất ngày 31/12/2016 gửi báo cáo tình hình nêu rõ số giải ngân tuyệt đối, danh mục dự án chậm giải ngân và đề xuất việc điều chuyển vốn sang các dự án khác, thậm chí là cắt giảm vốn đầu tư.

Về việc chưa giải ngân được số vốn dư 16.000 tỷ đồng từ các dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT và các Bộ liên quan phải báo cáo cụ thể cho từng dự án, gửi trước ngày 31/12/2016. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ xử lý trách nhiệm cá nhân các cán bộ làm chậm việc giải ngân số vốn này.

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Tài chính kiểm soát chặt chẽ các loại dự án kéo dài từ năm nay sang năm 2017, chỉ cho phép dự án kéo dài vì nguyên nhân khách quan; Bộ KH&ĐT tiếp tục cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công để phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này.

Văn phòng Chính phủ