Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10 và 11 năm 2016

(NTO) Ngày 2-12, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10 và 11-2016. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Từ giữa tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó có 2 đợt lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11, gây hậu quả lớn, làm 65 người chết và mất tích, trên 191 nghìn ngôi nhà ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại… Nhiều đoạn đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ… bị ngập kéo dài, gây sạt lở, ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan dự hội nghị.
Ảnh: Văn Miên

Trước tình hình thiên tai đang có diễn biến phức tạp, cực đoan trong thời gian tới, mưa bão sẽ kết thúc muộn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Trước mắt, các địa phương tiếp tục huy động các lực lượng khôi phục các công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân vùng lũ khôi phục nhà cửa, sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt đối với những hộ có người chết, mất tích; đồng thời tập trung phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ; đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong 2 đợt lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ đảm bảo phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du của các hồ chứa để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “4 tại chỗ”... Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu. Các địa phương chủ động xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; bố trí, sắp xếp lại khu dân cư, đảm bảo yêu cầu về an toàn cho người dân.