Kinh tế tăng trưởng - nhìn từ vốn đầu tư của ngân hàng

(NTO) Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, năm 2016, các ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, huy động vốn và đầu tư tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (NHNN tỉnh), cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 9.050 tỷ đồng, tăng 821 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng trưởng 9,98% so với cuối năm trước. Trong đó, nguồn tiền gửi từ dân cư chiếm tỷ trọng 74,92%, tăng 1.126 tỷ đồng và tiền gửi từ các tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng 24,53%, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2015. Đây là thuận lợi cơ bản cho các NH đầu tư tín dụng chủ động trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhân viên Chi nhánh NHTMCP Ngoại thương Ninh Thuận thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn cho khách hàng.
 Ảnh: Văn Thanh

Theo số liệu của NHNN tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 995 DN đang vay vốn các NH, với tổng dư nợ 5.750 tỷ đồng, tăng 15 DN và tăng 12,35% so với năm 2015 (chiếm 43,8% dư nợ cho vay của các NH thương mại). Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất huy động cho vay, trong đó cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên giảm từ 0,40%-0,60%/năm và cho vay trung, dài hạn giảm 0,30%-0,70%/năm. Bên cạnh đó, các NH còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 64 hợp đồng tín dụng (HĐTD), với số tiền 167 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 197 HĐTD, với số lãi được miễn giảm hơn 8,820 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức cho vay hiện hành 51 HĐTD, với số tiền 4,77 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên trên 7.800 tỷ đồng, trong đó DN chiếm 73,7% và hộ vay chiếm 26,3%.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của hệ thống NH tỉnh ta thời gian qua là thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp theo hướng mở rộng tín dụng để cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế và các chương trình, chính sách của Chính phủ. Ước trong năm 2016, các NH trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết cho vay khoảng 56.900 hồ sơ, với doanh số cho vay 23.740 tỷ đồng, tăng 410 hồ sơ, trong đó: Khách hàng là DN có 1.600 hồ sơ (chiếm 2,81%); hộ sản xuất 48.450 hồ sơ (chiếm 85,15%) và khách hàng khác 6.850 hồ sơ (chiếm 12,04%). Một số chương trình mà các NH đã ưu tiên thực hiện gồm: Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ 6.800 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng; cho vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dư nợ khoảng 3.000 tỷ đồng; vay xuất khẩu dư nợ ước đạt 820 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng; hỗ trợ DN nhỏ và vừa dư nợ đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng; cho vay theo chương trình phát triển nhà ở với số tiền đã giải ngân trên 33,2 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt trên 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nối NH–DN, các TCTD đã hỗ trợ cho 14 DN được vay, với số tiền 571,5 tỷ đồng. Đối với chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, đến nay có 2 đơn vị là NH Đầu tư và Phát triển tỉnh và NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giải ngân trên 157 tỷ đồng để các DN thực hiện các dự án. Trong đó, Dự án Đầu tư vùng nguyên liệu mía cây của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đã giải ngân với số tiền lũy kế từ đầu chương trình hơn 100 tỷ đồng, đến nay đã tất toán khoản vay; Dự án Liên kết sản xuất giống cây trồng của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã giải ngân với số tiền lũy kế từ đầu chương trình hơn 55,4 tỷ đồng, hiện dư nợ còn 610 triệu đồng. Riêng Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay toàn tỉnh có 18 ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng, với số tiền cam kết cho vay là 148,47 tỷ đồng, trong đó có 12 tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động, với số tiền đã giải ngân trên 111 tỷ đồng...

Nhờ bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đẩy mạnh hoạt động cung ứng vốn đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, trọng tâm là các lĩnh vực ưu tiên cho vay qua chuỗi liên kết HĐTD với các DN, đã góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng. Đến cuối năm 2016, tổng doanh số cho vay mà các NH trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào nền kinh tế ước đạt 24.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 4,42%. Trong đó, dư nợ ngành Nông-lâm-thủy sản ước đạt 3.650 tỷ đồng (chiếm 24,66%), tăng 545 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,55%; công nghiệp–xây dựng 2.300 tỷ đồng (chiếm 15,54%), tăng 395 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 20,73% và thương mại–dịch vụ-tiêu dùng 8.850 tỷ đồng (chiếm 59,8%), tăng 1.380 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 18,47% so với cuối năm 2015.

Kết quả đạt được của hệ thống NH tỉnh nhà trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế phải nhìn nhận rằng, tăng trưởng về vốn huy động của cả hệ thống còn đạt thấp, chỉ bằng 55,9% so với kế hoạch năm 2016 đề ra. Không chỉ vậy, nợ xấu có chiều hướng tăng cao (tăng 50 tỷ) và tăng đều ở các nhóm; việc chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, chương trình trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và định hướng của NHNN ở một số TCTD, nhất là các NH thương mại cổ phần còn chậm; cho vay tiêu dùng trùng lắp, rủi ro cao; việc cải cách quy trình, công khai, minh bạch thủ tục cho vay, lãi suất, phí còn hạn chế; các NH thương mại cổ phần chưa chủ động, tích cực trong triển khai Chương trình kết nối NH-DN...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo ông Lê Văn Cương, chủ trương của NHNN tỉnh trong thời gian tới là tập trung chỉ đạo các NH giải ngân tốt kế hoạch tín dụng được giao, nhất là tiếp tục ưu tiên triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng đối với DN theo chủ trương của Chính phủ. Mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới, tăng lượng tiền cung ứng cho thị trường, đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của ngành. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý có hiệu quả vấn đề nợ xấu... theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng tỉnh sớm thực hiện đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.