Chủ động ứng phó mưa, lũ cục bộ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh

(NTO) Theo thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong 24 giờ qua do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao. Khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa rải rác lượng mưa phổ biển nhỏ hơn 5- 25 mm.

Dự báo từ ngày 1 đến hết ngày 8- 12- 2016, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to, vùng núi Ninh Sơn, Bác Ái, phía bắc tỉnh có nơi mưa rất to và dông. Trên biển có mưa to và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1.

Dự báo từ ngày 1 đến ngày 8- 12- 2016, lượng mưa phổ biến từ 50-180mm, riêng khu vực phía vùng núi Ninh Sơn, Bác Ái, phía bắc tỉnh khả năng có mưa nhiều hơn. Do khả năng có mưa to, cần đề phòng xảy ra lũ cục bộ, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái, ngập úng vùng trũng ven biển. Đặc biệt chú ý các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các xã: Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (huyện Ninh Sơn); Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phước Bình (huyện Bác Ái); Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc).

Dự báo chiều và đêm 1-12, trên Sông Cái Phan Rang xuất hiện đợt lũ lên mức xấp xỉ báo động I và II.

Vào lúc 13 giờ ngày 1- 12, mực nước trên Sông Cái tại Trạm Thủy văn Tân Mỹ dưới mức báo động I là 0.98 mét; mực nước trên Sông Lu tại Trạm Thủy văn Phước Hà dưới mức báo động I là 0.7 mét. Dự báo trong chiều và đêm 1-12, trên Sông Cái và Sông Lu xuất hiện một đợt lũ lên mức xấp xỉ báo động I và II.

Hiện nay các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã tích đầy có khả năng phải xả lũ khi mưa kéo dài. Đặc biệt chú ý các tuyến đường giao thông thường xảy ra sạt lở như Ninh Bình- Phước Bình và tuyến đường ven biển.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các ngành, các đơn vị chức năng và các địa phương bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố; kiểm tra các hồ chứa nước, bảo đảm việc xả lũ đúng quy trình bảo đảm an toàn; kiểm tra dân cư các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng trũng, vùng sạt lỡ đất để kịp thời sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.

Các ngành chức năng, các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ theo dõi diễn biến của mưa lũ để đối phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra.