Chung tay bảo vệ môi trường du lịch biển

(NTO) Tỉnh ta có bờ biển dài trên 105km, với nhiều vịnh, bãi biển đẹp như: Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chử, Bình Tiên, Cà Ná..., thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển đang khiến những bãi biển tỉnh ta dần “mất điểm” trong mắt du khách thập phương.

Nằm ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, hằng năm biển Bình Sơn-Ninh Chử là điểm đến của du khách để tắm biển, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Tuy nhiên, tình trạng lều quán tạm bợ bán đủ các loại đồ ăn, thức uống,… rồi nào là rác thải, vỏ nghêu, sò, ghẹ… được vứt thẳng xuống bãi cát trông rất mất mỹ quan… Trong khi đó, dọc theo đường đi bộ ven biển đã được trang bị các thùng đựng rác, nhưng xem ra không có tác dụng. Với cách quản lý và ý thức bảo vệ môi trường biển của người bán hàng, du khách chưa cao đã khiến cho bãi biển trở nên kém hấp dẫn.

 
Đoàn viên, thanh niên LLVT tham gia dọn vệ sinh tại bãi biển Bình Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Không riêng gì bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử, vịnh Vĩnh Hy-nơi được xếp là một trong 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam cũng “hứng chịu” rác bởi sự kém ý thức của người dân và khách tham quan. Chị Nguyễn Phương Thảo, du khách từ TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Vĩnh Hy, chia sẻ: “Cảm giác đi tàu đáy kính ngắm san hô và ăn trưa trên biển rất thú vị. Tuy nhiên, cũng rất khó chịu vì nhà vệ sinh vừa thiếu, vừa bẩn, chúng tôi càng ái ngại hơn khi thấy đa số nhà vệ sinh ở đây đều thải thẳng xuống biển”. Đó là chưa kể rất nhiều các loại rác thải, túi nylon, bao bì, vỏ bánh kẹo, hộp sữa… được vứt xuống biển trôi dạt vào bờ thành những bãi rác.

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư 267 triệu đồng xây dựng 2 nhà vệ sinh công cộng cố định tại vịnh Vĩnh Hy để phục vụ du khách. Tuy nhiên, sau khi bàn giao, công trình không được bảo trì, dọn vệ sinh nên chưa phát huy hết hiệu quả. Riêng bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử, công tác quản lý vệ sinh môi trường cũng gặp nhiều khó khăn, bởi chủ yếu người dân buôn bán hàng rong di động, khó quản lý. Chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức ra quân lập lại trật tự, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường…, tuy nhiên khi dẹp xong, xử lý được vài ngày thì tình trạng buôn bán trở lại như cũ.

Để thu hút và “níu chân” du khách, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng Ninh Thuận ngày càng “xanh-sạch-đẹp”. Mặt khác, cần có chế tài xử lý, giải quyết triệt để tình trạng buôn bán hàng rong. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt nhằm giải quyết vấn nạn rác thải, biển Ninh Thuận luôn là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.