Thắp lên niềm tin cho người khuyết tật

(NTO) Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật tại tỉnh ta đã tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia lao động, cống hiến và thực hiện những ước mơ tưởng chừng không bao giờ thành hiện thực.

Biến ước mơ thành hiện thực

Em Nguyễn Minh Hậu (phường Đài Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) ngay từ khi sinh ra, em đã mắc chứng teo cơ khiến 2 tay, 2 chân không thể hoạt động bình thường, mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải nhờ người thân giúp đỡ, tưởng chừng như tương lai đã “khép lại” với em… Cơ hội đến với Hậu khi đầu năm 2016, em được nhận vào học nghề điện tử tại Công ty TNHH MTV Hoàng Trí Nhân. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực ham học hỏi của bản thân, đến nay, Hậu đã thành thạo trong công việc và có thể sửa chữa phần mềm máy vi tính, cho thu nhập ổn định. Em chia sẻ: Được học nghề và có việc làm là một niềm hạnh phúc lớn đối với em cũng như nhiều bạn khác cùng hoàn cảnh. Từ đây đã mở ra cơ hội để chúng em có thể tự tin hơn trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

 
Giáo viên công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận hướng dẫn đan len móc cho người khuyết tật.

Chị Lê Thị Kim Loan (xã Hòa Sơn, Ninh Sơn) cũng bị khuyết tật từ nhỏ, căn bệnh tê liệt chân tay quái ác đã khiến chị không thể sinh hoạt bình thường. Vừa qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận và Trung tâm Dạy nghề Dân lập Tấn Tài liên kết tổ chức chương trình “Hỗ trợ đào tạo nghề đan móc len thủ công mỹ thuật dành cho người khuyết tật và lao động nông thôn” đã giúp cho chị được học nghề, với hy vọng có một công việc ổn định, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chị Loan phấn khởi: Trước đây, mình chỉ ước mơ được đi học, có công việc làm, nhưng vì sức khỏe yếu, gia đình khó khăn, nên ước mơ đó cũng dần tan biến. Giờ được học nghề miễn phí, với mức thu nhập tương đối khá sau khi làm được việc khiến mình rất hạnh phúc, mình sẽ quyết tâm tập trung học hành chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực.

Cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng

Anh Lê Nhân Chí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Trí Nhân, cho biết: Bản thân cũng là một người khuyết tật nên mình hiểu và có thể chia sẻ với các em cùng hoàn cảnh. Tuy việc dạy nghề cho các em khuyết tật gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự kiên trì, chỉ bảo tận tình của các thầy nên các em đã từng bước tiếp cận với công việc và có thể tự sửa chữa một số hư hỏng đơn giản của máy vi tính. Công ty hiện đang đào tạo 15 em là người khuyết tật trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, các em sẽ được học nghề trong 3 tháng, được ăn, ở, học tập miễn phí và được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Sau khi thành thạo nghề, các em sẽ được nhận vào làm việc tại công ty hoặc được tư vấn, hướng dẫn vay vốn giải quyết việc làm cho người khuyết tật để lập nghiệp.

 
Đào tạo nghề điện tử cho người khuyết tật tại công ty TNHH MTV Hoàng Trí Nhân

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận, chia sẻ: Mục tiêu là giúp đỡ các em khuyết tật có được công việc phù hợp với hoàn cảnh. Nghề đan móc len rất phù hợp với các em vì không phải tốn sức nhiều, có thể ngồi ở nhà làm việc, sản phẩm của các em sẽ được công ty thu mua tận nơi. Đây là lớp học đầu tiên do công ty mở tại Ninh Thuận và sẽ là tiền đề để công ty tiếp tục mở thêm các lớp khác trên toàn tỉnh, từ đó mở ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra, các em sẽ được ký kết “hợp đồng lao động” hoặc “hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”, mức lương sẽ được áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng theo quy định và cho đến 5 triệu đồng/người/tháng (tùy theo khả năng tay nghề của người lao động và tùy theo mẫu sản phẩm). Bên cạnh đó, còn có chính sách bảo đảm việc làm và phúc lợi xã hội cho người khuyết tật khi tham gia Đề án Bảo Chung.

Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Hiện nay, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Để tạo việc làm cho người khuyết tật có kết quả lâu dài, thời gian tới, bên cạnh những chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề, cần sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tạo cơ hội cho người khuyết tật được thể hiện, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.