Xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế sát hơn với thực tế

Sáng 22-10, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.

Thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, đa số các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên. Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Tp. Hà Nội, mặc dù trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành đã thể hiện tinh thần cao trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo cũng đã trực tiếp thị sát, kịp thời có mặt tại các chỗ bức xúc để chỉ đạo. Điều này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã và đang rât quyết liệt trong vấn đề bảo đảm trách nhiệm với nhiệm vụ của mình; thể hiện sự đổi mới trong vận hành hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, các đại biểu cũng đánh giá cao các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế- xã hội của nước ta trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém như tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm…

Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế sát hơn với thực tế; việc dự báo chưa sát cũng gây khó khăn cho điều hành và phân bổ các khoản, do đó cần sớm được khắc phục; cần xem xét, đánh giá cụ thể việc trong 9 tháng có trên 81 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 629 nghìn tỷ đồng đã thực sự đi vào hoạt động và có phát sinh thuế, đóng góp cho ngân sách nhà nước hay chưa?; xem xét vấn đề bảo hiểm y tế, giáo dục, đào tạo việc làm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ cho nông dân….

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền- tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Thị Phong Lan- Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được Chính phủ quan tâm, sâu sát hơn nhưng ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa còn hạn chế. Các đại biểu đề nghị cần làm rõ, phân định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Nguồn: quochoi.vn