Chính phủ cần đề ra những mục tiêu, định hướng đầu tư có trọng tâm

Chiều 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

Nguyên nhân nào xảy ra tình trạng đầu tư công không hiệu quả?

Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011- 2015. Nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, vùng lãnh thổ, cơ bản bảo đảm tính hợp lý giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Hà Nội cho rằng, chúng ta cần xem xét kỹ hơn báo cáo đánh giá tổng kết của giai đoạn 2011- 2015 chỉ rõ giai đoạn này đầu tư không hiệu quả, nguồn vốn dàn trải. Tình trạng nhiều dự án đầu tư công lãng phí không tìm được giải pháp ngăn chặn mà đưa ra kế hoạch 2016- 2020 thì chắc chắn rất khó báo cáo với cử tri. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung chỉ rõ nguyên nhân, vấn đề ở chỗ nào trong việc xảy ra tình trạng đầu tư công không hiệu quả. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rõ được địa chỉ. Lỗi này từ đâu, do cơ quan thẩm định hay cơ quan chủ trì kế hoạch đầu tư phải chịu trách nhiệm và nếu các cơ quan đã chỉ ra không hiệu quả mà Thủ tướng vẫn ký thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Nếu không làm chặt về việc này thì tới đây những dự án mới sẽ lại xảy ra tình trạng tương tự .

Cho ý kiến về kế hoạch trình hồ sơ đầu tư công trung hạn, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc- Hà Nội nêu ý kiến, đến thời điểm này có khoảng 500 dự án sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân về chủ trương đầu tư, tuy nhiên với quy trình và thủ tục của Luật đầu tư công, bản thân đại biểu thấy Trung ương còn lúng túng. Đáng lẽ ra chúng ta phải thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn vào kỳ cuối Quốc hội khóa XIII, sau đó báo cáo ở Hội đồng nhân dân các cấp thông qua, nhưng đến thời điểm này khi bước sang kỳ 2 khóa XIV chúng ta vẫn chưa đạt được yêu cầu về mặt hồ sơ. Rõ ràng, về mặt thực hiện Luật đầu tư công có những vướng mắc trong quá trình thủ tục.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành rà soát lại các văn bản thực hiện dưới luật về việc thực hiện Luật đầu tư công để bảo đảm thuận lợi. Nếu còn như thế này thì các dự án sẽ bị dừng lại và ngay cả chi đầu tư xây dựng cơ bản của Hà Nội cũng chỉ đạt 50%. Đại biểu lấy dẫn chứng vừa rồi khi thực hiện chứng nhận đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường, Luật Môi trường yêu cầu khi chứng nhận đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc nhưng Luật đầu tư công lại đánh giá sơ bộ. Vậy Hội đồng nhân dân ở giữa xác định việc này như thế nào? Để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải giải quyết từng bước để bảo đảm tiến độ. Do đó, phải rà soát lại các Nghị định, các hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư công để tạo thuận lợi cho cơ sở.

Chính phủ cần đề ra những mục tiêu, định hướng đầu tư có trọng tâm

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, đa số đại biểu cơ bản tán thành với mục tiêu nhằm thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để phát triển nền kinh tế, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020. Đồng thời, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chỉ số ICOR so với giai đoạn trước.

Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh- Quảng Nam cho rằng, Chính phủ cần đề ra những mục tiêu, định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cấp thiết cần phải đầu tư. Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh- Bắc Kạn nêu rõ nhìn vào phương án phân bổ của Chính phủ có thể thấy theo Luật Đầu tư công, Quốc hội quyết định phân bổ công trình trọng điểm quốc gia nhưng xem lại danh mục thì ngoài một số công trình Quốc hội Khóa XIII đã quyết định như dự án sân bay Long Thành thì lại có một số dự án về giao thông quy mô như thế nào Quốc hội lại không quyết mà chỉ quyết định mức vốn đầu tư cho cả một giai đoạn. Như vậy có đúng luật hay không? Không ổn trong thực hiện quyền của đại biểu và quyền lực của Quốc hội. Đại biểu đề nghị, những công trình thuộc thẩm quyền Quốc hội phải trình Quốc hội.

Về định hướng kế hoạch đầu tư, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Hà Nội cũng cho rằng, định hướng đầu tư giai đoạn 2016- 2020, chúng ta cần thông qua được về tổng mức và nguyên tắc để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn. Đầu tư trung hạn phải gắn mô hình tăng trưởng và định hướng về tái cơ cầu nền kinh tế. Rõ ràng chúng ta đang hướng tới mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng, khoa học kỹ thuật, tăng năng suất chứ không phải dựa vào nguồn tài nguyên hoặc dựa vào đầu tư vốn. Do đó, phải hướng đầu tư công trung hạn vào lĩnh vực có khả năng mang lại hiệu quả nhanh và đúng thế mạnh của đất nước ta như nông lâm thủy sản, vấn đề liên quan đến dịch vụ. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn đến đầu tư môi trường của các khu công nghiệp. Nếu chúng ta làm nghiêm túc tiêu chuẩn môi trường ở các khu công nghiệp thì có lẽ đến 90% các doanh nghiệp công nghiệp đều vi phạm, thậm chí phải đóng cửa.

Nguồn: quochoi.vn