VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Giảm nghèo cần phải căn cơ !

(NTO) Từ năm 2000, Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17-10 hàng năm là “Ngày Vì người nghèo”. Phát huy truyền thống đạo lý “Tương thân, tương ái” cao đẹp của dân tộc, trong những năm qua, các cấp Mặt trận trong tỉnh nói riêng, các ngành, địa phương trong tỉnh nói chung đã động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người nghèo, chăm lo giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Có thể khẳng định Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” cho đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thật sự quan tâm, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt.

 
Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể phường Đạo Long và đại diện Công ty TNHH MTV Phạm Thanh Hoa
trao nhà “Đại đoàn kết” cho bà Nguyễn Thị Bê. Ảnh: Mai Dũng

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo (HN, HCN) năm 2015 theo Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tổng số HN toàn tỉnh là 37.810 hộ, chiếm 14,93%, tăng rất cao so với tỷ lệ 5,74%, tính đến cuối năm 2015 theo chuẩn cũ giai đoạn 2011-2015; và tổng số HCN có 14.043 hộ, chiếm 8,81%. Nếu phân theo khu vực, thì HN thành thị chiếm 4,88%; HCN chiếm 7,26%; khu vực nông thôn HN chiếm 20,92%; HCN chiếm 9,75% dân số toàn tỉnh. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có tỷ lệ HN, HCN thấp nhất, cao nhất vẫn là huyện Bác Ái. Mục tiêu tỉnh ta đặt ra giai đoạn 2016-2020 là nỗ lực giữ vững tốc độ giảm nghèo hàng năm đạt từ 1,8 - 2%, hạn chế tái nghèo, tạo cơ hội cho những hộ thoát nghèo vươn lên hộ khá; cải thiện điều kiện sống ở huyện nghèo, các xã nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống và trình độ dân trí của nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa so với đồng bằng, thành phố…Do vậy, vấn đề đặt ra là để giảm nghèo một cách bền vững, đặc biệt là giảm bớt sự chênh lệch quá lớn giữa “vùng nghèo” và “vùng giàu”, thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn. Theo chúng tôi, một trong những giải pháp quan trọng đó là cần chú trọng đúng mức đến giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các vùng nghèo. Một khi người dân có nhận thức, có kiến thức thì họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình. Họ sẽ tự biết trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao nhất. Đây còn được xem như “chiếc chìa khóa” để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh trên mảnh đất của họ. Hay nói khác hơn cần “giúp cái cần câu thay vì cho xâu cá”. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các vùng, các huyện, các xã có nhiều hộ nghèo chính là trao “cái cần câu” cho người dân. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất của người dân. Với lãi suất ưu đãi, hợp lý, vốn được xem như một “cú hích” như sự “cứu cánh” cho những ước mơ đích thực của người nông dân muốn tự mình vươn lên thoát nghèo. Người xưa có câu “có bột mới gột nên hồ”, vốn chính là “bột” cho người nông dân “gột” lên sản phẩm của mình. Khi đã có vốn lại được cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ cùng với bàn tay, khối óc, sự khao khát vươn lên thoát nghèo của người nông dân hy vọng rằng sẽ giải quyết được bài toán giảm nghèo một cách bền vững.

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thiết nghĩ, với tinh thần phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm đoàn kết, chung sức chung lòng tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề phong trào thi đua giảm nghèo như đã nêu trên.