Thế giới trong tuần

1. Bất chấp những thất bại trong tiến trình hòa bình tại Syria, trong tuần, các cường quốc tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tìm cách đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này.

Mỹ và Nga, hai quốc gia chính thức cắt đứt liên lạc song phương về vấn đề Syria, đã thông báo sẵn sàng ngồi lại với nhau nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, bao gồm giảm bạo lực một cách bền vững và nối lại hàng cứu trợ nhân đạo, trong bối cảnh Syria đang rơi vào tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 5 năm qua và lực lượng Chính phủ dưới sự yểm trợ từ trên không của Nga đang thúc đẩy cuộc tấn công lớn nhằm vào khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở khu vực phía Đông thành phố chiến lược Aleppo.

Nga tuyên bố sẽ nối lại đàm phán về các vấn đề tại Syria với Mỹ và các cường quốc chủ chốt trong khu vực vào ngày 15-10 tới.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các bên về cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này kể từ khi Washington đơn phương ngừng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán nhằm “thiết lập các điều kiện để đạt được nghị quyết về cuộc khủng hoảng Syria” tại Lausanne, Thụy Sĩ.

LHQ cũng đã lên tiếng cảnh báo một thảm kịch nhân đạo đang diễn ra tại miền Đông Aleppo – nơi có khoảng 275.000 người sinh sống và khẳng định, những khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở thành phố này có thể bị hủy diệt hoàn toàn vào cuối năm 2016. Trong ngày 12-10, nhiều vụ không kích dữ dội đã xảy ra tại khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo khiến 25 người thiệt mạng.

2. Các tổ chức xã hội Cuba đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính vốn áp dụng hơn nửa thế kỷ qua đối với đảo quốc Caribe này.

Đại diện từ các cộng đồng tôn giáo, liên hiệp thương mại, tổ chức sinh viên, khoa học và học thuật tham dự một sự kiện tại Viện Quan hệ quốc tế cao cấp ở La Habana đã ra tuyên bố phản đối chính sách cấm vận phi lý của Mỹ. Tuyên bố nhấn mạnh các biện pháp cấm vận đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 125 tỷ USD.

Các tổ chức cũng phản đối chính sách “thay đổi thể chế” của Washington đối với đảo quốc này, nhấn mạnh bình thường hóa quan hệ bao gồm việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia. Các cộng đồng cũng kêu gọi các tổ chức xã hội khác, đặc biệt là của người dân Mỹ, cùng tham gia phản đối chính sách bao vây cấm vận Cuba của Mỹ.

Lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt hơn nửa thế kỷ qua là vật cản chính đối với sự phát triển kinh tế của Cuba. Kể từ sau tuyên bố lịch sử khôi phục quan hệ ngoại giao tháng 12-2014, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã ghi nhận những bước cải thiện đáng kể.

Cho tới nay Tổng thống Mỹ Barack Obama đã 2 lần sử dụng quyền hạn của mình để nới lỏng lệnh cấm vận cho Cuba, trong đó bao gồm giảm nhẹ hạn chế đi lại cho công dân Mỹ tới Cuba, cho phép các công ty viễn thông Mỹ được hoạt động tại Cuba cũng như nhập khẩu hàng hóa từ thành phần kinh tế tư nhân của đảo quốc Caribe này.

Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, với các điều kiện tiên quyết mà Cuba đưa ra là xóa bỏ lệnh cấm vận phi lý mà Mỹ áp đặt lên đảo quốc này hơn nửa thế kỷ qua, trả lại phần lãnh thổ Cuba bị Mỹ chiếm đóng làm căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo, chấm dứt việc phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình chống phá cách mạng vào lãnh thổ Cuba và các âm mưu gây bất ổn tại Hòn đảo Tự do này.