Quyết định 09/2015/QĐ-TTg: Tạo sự chuyển biển trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”

(NTO) Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” (MC-MCLT) tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; ở tỉnh ta đã có bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân theo hướng giảm phiền hà cho tổ chức, công dân, hạn chế tệ quan liêu, cửa quyền của CB, CC, được đông đảo Nhân dân đồng tình; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.

 
Cán bộ UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước) tiếp công dân tại bộ phận “một cửa”. Ảnh V.M

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, đã có 17/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện cơ chế MC-MCLT (trừ Ban Dân tộc là cơ quan đặc thù); 7/7 huyện, thành phố và 65/65 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện cơ chế MC-MCLT. Các cơ quan Trung ương tại địa phương như: Cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Chi cục Hải quan, Kho bạc nhà nước tỉnh đã tổ chức thực hiện cơ chế MC-MCLT theo ngành dọc. Qua đánh giá, hầu hết các tổ chức và công dân có nhu cầu giải quyết công việc liên quan đến các lĩnh vực áp dụng theo cơ chế MC đều đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để nộp hồ sơ và nhận lại kết quả đã giải quyết. Các hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức và công dân đều được các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật và trả hồ sơ cho tổ chức, công dân đúng hẹn; số hồ sơ phải trả lại hoặc trả không đúng hẹn chiếm tỷ lệ thấp, hoặc những hồ sơ chưa hợp lệ hoặc những hồ sơ liên quan đến lĩnh vực phức tạp như đất đai, xây dựng…Quy trình thực hiện cơ chế MC-MCLT đều được quy định cụ thể và được công khai trên trang thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, bộ phận được giao giải quyết, kết quả giải quyết đều được cập nhật, công khai trên phần mềm theo dõi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; tổ chức, công dân khi đến nộp hồ sơ tại cơ quan đều được hướng dẫn tận tình và cấp mã số để có thể dễ dàng tra cứu, theo dõi thông tin qua mạng Intrernet mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan, đơn vị (như Sở Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông…). Việc xin lỗi các tổ chức, cá nhân về những bất tiện khi thực hiện thủ tục hành chính đã được cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt.

Cùng với chuyển biến của CB,CC trong phục vụ giải quyết công việc, tại bộ phận cơ chế MC-MCLT, người dân còn được công khai các quy định thống nhất về hồ sơ, trình tự và thời gian giải quyết thủ tục cho từng loại công việc cụ thể; công khai các loại phí, lệ phí phải nộp, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại ...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế MC-MCLT tại tỉnh ta vẫn còn những tồn tại. Công tác chỉ đạo, điều hành chưa đồng bộ, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy đúng mức. Cơ chế MC-MCLT triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương ở một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng không cao. Cùng với cơ sở vật chất, CB, CC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng giao tiếp trong thực hiện thủ tục hành chính... dẫn tới việc xử lý công việc chưa hiệu quả. Tại một số nơi, cán bộ vẫn còn biểu hiện gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân…

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Cơ chế MC-MCLT là biện pháp hữu hiệu để cải cách thủ tục hành chính. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ CB, CC gắn với việc thực hiện nghiêm chế độ công vụ, công chức sẽ là những giải pháp để cơ chế này ngày càng hiệu quả, từ đó góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Thời gian đến, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực cơ chế MC-MCLT. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế MC-MCLT ở tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện cơ chết MC-MCLT đối với lĩnh vực thuộc ngành, địa phương quản lý.