Thế giới trong tuần

1. Nước Anh sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vẫn là đề tài nóng trên báo chí quốc tế những ngày qua.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Chính phủ cầm quyền của Anh án binh bất động, nội bộ Đảng đối lập lục đục, phe ủng hộ Anh rời khỏi EU chưa biết làm gì tiếp theo, trong khi người dân hoang mang đòi trưng cầu dân ý lại.

Tờ Người bảo vệ nhận định: Nước Anh đang bước vào một giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thể chế và chính trị, khi các nhà lãnh đạo EU đòi London phải đàm phán rời khỏi liên minh này càng sớm càng tốt.

Tuyên bố của châu Âu đến vào thời điểm Đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập đều đang đối diện với trận chiến giành quyền lãnh đạo đầy chia rẽ, bất ổn. Bên phía Đảng Bảo thủ cầm quyền đó là cuộc cạnh tranh trở thành người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron.

Trong khi vấn đề nội bộ chưa giải quyết xong, Anh lại đối diện thêm áp lực từ châu Âu. Châu Âu muốn nhanh chóng “ly dị”, nhưng nước Anh lại muốn có thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Theo phân tích của trang tin CBS, trái ngược với những đòi hỏi của các quan chức châu Âu, lãnh đạo của phong trào “Nước Anh rời EU” lại hoàn toàn im lặng.

Người Anh bất đồng nhưng châu Âu cũng chẳng đoàn kết hơn. Theo Nhật báo phố Wall, trong khi Ngoại trưởng 6 quốc gia sáng lập EU kêu gọi London nhanh chóng bắt đầu thủ tục ra đi, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại tỏ dấu hiệu không vội vàng cắt đứt quan hệ với một trong những đối tác thương mại và kinh tế lớn nhất của Đức.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc họp với lãnh đạo 27 quốc gia thành viên mà không có Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh việc Anh rời khỏi EU cần phải tiến hành một cách có tổ chức như quy định trong Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU.

Ông Donald Tusk cũng nhắc lại là EU không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào trước khi Anh chính thức đệ đơn xin rời EU. Thời gian sớm nhất để Anh thực hiện điều này là sau ngày 9-9 - thời điểm nước Anh chọn ra người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron.

2. Nga vừa cho biết sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đề nghị chính phủ nước này bắt đầu các cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại mối quan hệ thương mại và nới lỏng các biện pháp hạn chế khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hai nước đang dần được cải thiện khi người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đề nghị hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, sau vụ tấn công đẫm máu tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Patrushev, thảm kịch tại sân bay cho thấy sự cần thiết phải có hành động chung chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, thông qua việc thắt chặt mối quan hệ song phương và đa phương trong lĩnh vực này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29-6 đã nhất trí nối lại hợp tác song phương sau giai đoạn căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quyết định được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước diễn ra cùng ngày. Tổng thống Nga Putin đã thông báo với Chính phủ Nga rằng, sau bức thư của Tổng thống Erdogan xin lỗi về việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, ông đã quyết định bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin đã gửi lời chia buồn với người đứng đầu nhà nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sau các vụ tấn công khủng bố làm nhiều người thương vong vừa xảy ra ở thành phố Istanbul. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống khủng bố và nhất trí tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong thời gian sớm nhất có thể.

Các lợi ích kinh tế, chính trị đan xen đã buộc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục leo thang căng thẳng mà phải bắt tay nhau. Mặc dù tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước còn dài, song động thái này đã phát đi một thông điệp tích cực, có thể đem lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cũng như các hoạt động phối hợp để giải quyết vấn đề Syria và cuộc chiến chống IS.