Bí quyết nấu giả cầy ngon và đúng vị

(NTO) Giả cầy là một món đặc trưng của ẩm thực xứ Bắc, với gia vị nổi trội là củ riềng và mắm tôm. Món này ăn vào lúc trời se lạnh hoặc trời mưa thì tuyệt ngon.

Giả cầy có nhiều cách nấu và biến thể tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một hương vị riêng, khó lẫn. Giả cầy miền Bắc đơn thuần chỉ gồm thịt heo, riềng, mẻ, mắm tôm, mà lại không có sả như giả cầy ở miền Trung, cũng như không dùng thêm các loại rau gia vị, nên thơm đậm mùi mắm tôm khó lẫn đi đâu được.

 
Ảnh minh họa.

Nguyên liệu: Chân giò heo; củ riềng, tỏi, sả, mẻ (cơm mẻ); mắm tôm; các loại gia vị; nước dừa tươi.

Cách làm: Thịt chân giò và móng giò cuốn với nhiều lớp giấy trắng rồi thui cho thịt chín vàng. Lý tưởng nhất là thui bằng rơm. Tiếp tục cạo rửa sạch phần da của thịt chân giò và móng giò. Xắt thịt thành miếng chữ nhật, chặt móng giò thành miếng vừa ăn rồi ướp cùng với riềng xắt nhỏ, mẻ, mắm tôm và gia vị khoảng 30 phút cho ngấm đều. Nên giữ lại một phần riềng giã nhỏ, chỉ cho vào nồi khi gần nhấc xuống. Phần riềng chưa bị hầm kỹ này sẽ giữ lại được nhiều hương vị và món ăn sẽ thơm ngon hơn.

Chế nước dừa tươi ngập xăm xắp mặt thịt, đậy nắp, đun to lửa. Khi thịt sôi được 5 phút thì hạ nhỏ lửa, nấu khoảng 1 tiếng hoặc đến khi thịt chân giò và móng giò đạt độ nhừ như mong muốn là được.

Nồi giả cầy nấu đạt yêu cầu là nước cạn chỉ còn khoảng 1/3, hơi sánh lại với màu vàng cánh gián. Thịt chân giò và móng giò nhừ rục nhưng còn nguyên miếng, không vỡ nát nhờ phần da phía ngoài dai dai, do được thui sém vàng. Món này thường ăn kèm với bún, rất ngon.