Kết quả nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn

(NTO) Xác định vai trò quan trọng của khoa học-kỹ thuật đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu cho hoạt động này là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng, qua đó đã chọn được một số giống thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn.

Nổi bật là giống nho NH01-152 do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo đã đưa vào trồng thử nghiệm thành công. Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Đặc điểm của giống nho này là thích nghi được với điều kiện khí hậu khô hạn ở Ninh Thuận, ít hạt (từ 1-2 hạt/quả) độ đường cao, mùi vị đặc trưng, khi chín có màu đỏ tươi rất bắt mắt. Qua trồng thử nghiệm tỷ lệ đạt quả cao, năng suất bình quân 25 tấn/ha/vụ. Từ ưu điểm vượt trội, ngành chức năng đang đẩy mạnh chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân sản xuất, thay thế dần giống nho đã thoái hóa.

 
Nông dân xã Phước Hà (Thuận Nam) thu hoạch đậu xanh.Ảnh: A.Tuấn

Cùng với đó, giống đậu xanh ĐX 208 do Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố, Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam cung cấp cho nông dân sản xuất đại trà trong vụ đông-xuân vừa qua và vụ hè-thu này cũng đã “bám rễ” trên các vùng đất khô hạn. Đặc điểm của loại giống này là chín sớm, thích hợp với các mùa vụ trong năm, thời gian gieo đến tận thu là 70-75 ngày. Ngoài ra, còn các loại giống cây trồng chịu hạn khác cũng đã được chuyển giao cho bà con sản xuất mang lại hiệu quả cao như giống bắp lai đơn VN8960 đã đưa vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, được nhiều nông dân lựa chọn sản xuất. Điểm nổi trội của giống bắp lai đơn là sử dụng ít nước, thích hợp với nhiều xứ đồng, kháng được sâu bệnh, trái to, hạt đều, cây cứng, năng suất trên 7 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 10 tấn/ha…

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng thời gian qua đã góp phần tích cực vào thực hiện có kết quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy vậy, việc đưa giống mới vào sản xuất còn gặp khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tập quán canh tác lạc hậu. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Muốn đưa 1 loại giống mới vào sản xuất phải thông qua thực hiện các mô hình thí điểm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong thực hiện mô hình hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Đơn cử như giống mè đen được đánh giá là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu khô hạn ở tỉnh ta, nhưng do vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ dân trí không đồng đều, nên chưa áp dụng canh tác trên diện rộng. Trong khi đó, việc liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu với người sản xuất thiếu chặt chẽ, dẫn đến công tác chuyển giao giống mới chậm. Một bộ phận nông dân lo ngại khi sử dụng các giống cây trồng cạn khó tiêu thụ sản phẩm cũng là trở ngại cho công tác chuyển giao giống mới.

Tỉnh ta xác định, giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng cung ứng nguồn giống chất lượng cao, thích nghi với điều kiện hạn hán. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này; đồng thời, phối hợp với các cơ quan ở Trung ương tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng chủ lực như nho, táo, tỏi...