Vấn đề hôm nay:

Hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển!

(NTO) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển.

Nghị quyết nêu trên được xem là “luồng gió mới” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Nghị quyết 35 đã đề ra những giải pháp rất rõ ràng vì sự phát triển của DN và cũng chi tiết đến từng cơ quan chủ quản, đồng thời kế thừa được những chương trình hành động của các Nghị quyết trước đó của Chính phủ.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Nghị quyết đã khẳng định nguyên tắc: Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho DN đầu tư kinh doanh và phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện... Đồng thời, những điểm nhấn đáng ghi nhận là Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm giải pháp quan trọng về cải cách hành chính; về hỗ trợ DN khởi nghiệp và DN đổi mới sáng tạo; về đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng đối với các loại hình DN; về giảm chi phí kinh doanh; bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của DN. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy định về giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực... sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển, người lao động tăng thêm thu nhập.

Nhìn lại tỉnh ta, với trên 2.115 DN, tổng vốn đăng ký trên 14.420 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015), những năm qua tỉnh ta đã tạo nhiều điều kiện cho DN hoạt động. Đặc biệt đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ linh hoạt, thiết thực, như tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại DN cũng như triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ về vốn, về kê khai, nộp thuế điện tử, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính... góp phần tạo thuận lợi hơn cho các DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những ”rào cản” không cần thiết như một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ cho DN và nhà đầu tư; một số vướng mắc, khó khăn của DN chưa được quan tâm giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực: đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư chưa thật thông thoáng; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tinh thần thực thi công vụ chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh; công tác đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu sử dụng của DN...

Có thể nói, Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời sẽ tiếp tục ”chắp cánh” cho các DN cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng phát triển mạnh mẽ. Nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống rất cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương bằng việc nhanh chóng cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu cụ thể. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là bản thân DN cần chủ động, nỗ lực chứ không chỉ trông chờ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương...