Ngành Công nghiệp trước áp lực tăng trưởng

(NTO) Năm 2016, mục tiêu mà ngành Công nghiệp (CN) đề ra là phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 6.470 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 18-19%, nhằm đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 16% so với cùng kỳ.

Để hoàn thành chỉ tiêu nêu trên, tỉnh ta đã “dồn sức” cho ngành CN phát triển, như: Đẩy mạnh thu hút đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh còn động viên, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng cơ sở sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Thế nhưng, có thể nói CN tỉnh nhà vẫn chưa tạo được những bứt phá cần thiết để phát triển như mong muốn.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch không nung.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Từ đầu năm đến nay, do tình hình hạn hán kéo dài, lượng hàng hóa tồn kho nhiều, giá bán giảm và thị trường tiêu thụ chậm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất một số sản phẩm CN chủ lực, làm giảm giá trị sản xuất của ngành so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong số 17 sản phẩm chủ yếu của ngành (có 1 sản phẩm mới là bột rau câu Carramen) thì có tới 5 sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, có một số sản phẩm, như: Sản xuất muối giảm đến 32%; nhân hạt điều giảm 29,1%; xi măng giảm 4,3%; điện sản xuất giảm 1,4%... Do vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất CN toàn ngành chỉ ước đạt 2.183,6 tỷ đồng, giảm 0,6% so cùng kỳ và đạt 34% so với kế hoạch năm.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo phân tích của đơn vị chủ quản, giá trị sản xuất ngành CN của tỉnh có chiều hướng giảm so với cùng kỳ, thứ nhất là do các sản phẩm hoạt động theo mùa vụ, như: mía đường, tinh bột mì đến nay đã ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, một số sản phẩm như nhân hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, nhưng hiện nay vẫn chưa thoát khỏi vòng “lẫn quẩn” là chủ yếu chế biến ở dạng thô, hoặc là xuất khẩu ủy thác thông qua các DN lớn, nên lợi nhuận không cao và luôn bị o ép từ nhiều phía. Một số lĩnh vực thuộc công nghiệp khai khoáng, như sản xuất muối tuy thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho hoạt động khai thác, nhưng do giá muối giảm, đồng thời sản lượng tồn kho nhiều (hiện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná tạm ngưng sản xuất và giảm 150 lao động), đã làm chỉ số sản xuất trong tháng giảm 20%, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản xuất chung toàn ngành.

Dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận. 
Ảnh: Văn Miên

Một yếu tố quan trọng nữa làm tác động đến mức tăng trưởng của ngành CN nội tỉnh đó là, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có thêm những “gương mặt mới” với giá trị sản xuất cao để làm “điểm nhấn” trong ngành. Hay nói cách khác hơn, là chưa có những sản phẩm “đầu tàu” tạo nên lực đẩy tăng tốc cho “đoàn tàu” CN của tỉnh. Trong khi đó, sản phẩm mới như bột rau câu Carramen thì chưa phát huy năng lực sản xuất, do chưa phát triển thị trường, hiện đang sản xuất cầm chừng, chỉ mới đạt khoảng 40% công suất thực tế. Một số sản phẩm chủ lực khác, như: Bia đóng lon, tôm đông lạnh thì đã phát huy hết công suất vốn có.

Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.
Ảnh: Thanh Long

Nhìn lại bức tranh CN của tỉnh trong 5 tháng đầu năm cho thấy vẫn có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Do đó, có thể nói kết quả trên chưa mang tính quyết định cho cả chặng đường dài phía trước, tuy nhiên, nếu không nhìn nhận đúng thì sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng và làm giảm sức bật cho quá trình phát triển của ngành. Vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu từ nay đến cuối năm ngành CN của tỉnh có hoàn thành tốc độ tăng trưởng từ 18-19% như kế hoạch đề ra!. Đây là một áp lực lớn đặt ra cho ngành, do vậy để có lời giải cho bài toán tăng trưởng này, thiết nghĩ cần phải nhìn rõ thực trạng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên xác định lộ trình và chiến lược đầu tư chiều sâu, dài hạn để đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững. Một việc làm cần thiết nữa để thay đổi diện mạo ngành CN nội tỉnh, đó chính là các ngành chức năng của tỉnh cần phải vào cuộc một cách đồng bộ; phải ưu tiên đào tạo nhân lực và có chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư mới trên cơ sở có một chiến lược phát triển CN rõ ràng, cụ thể, với những sản phẩm mang tính trọng điểm, đột phá.