"Học ở trường, học trong sách vở"

(NTO) Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học. chính vì hiếu học nên việc đọc sách là nhu cầu không thể thiếu của con người Việt Nam. Những hiền tài từ xưa đến nay đều coi sách là bạn, là thầy. Không một nhân tài nào của đất nước mà không gắn bó với những giai thoại về đọc sách.

Nhân dân ta ngày xưa vẫn coi những bậc tài cao học rộng là thánh nhân. Coi họ là tài sản quý báu của quốc gia. Có hai loại người được nhân dân ta kính trọng nhất. Đó là anh hùng đánh giặc ngoại xâm và người có tài, học rộng. Người tiêu biểu cho sự học của người xưa phải kể đến Lê Quý Đôn (1726 -1784), Ông được coi là bác học lớn nhất của Việt Nam là : “Túi khôn của thời đại”, chẳng thế mà thời ông sống có câu thơ: “Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn” nghĩa là có điều gì không biết đến hỏi Lê Quý Đôn. Mặc dù đã có sự biết hơn người, nhưng nhà bác học Lê Quý Đôn không bao giờ ngừng đọc sách. Chẳng thế mà, nhà bác học nổi tiếng Phan Huy Chú đánh giá: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết hiền hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.

Các em học sinh thường xuyên đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) được coi là nhà thơ lớn nhất của miền Nam. Ông quan niệm làm thơ là chở đạo. Suốt cả cuộc đời của Ông không ngừng dân thân vào con đường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, Ông là người gần gũi với nhân dân lao động và được nhân dân rất mực kính trọng. Đặc biệt, Ông là người mở đầu cho việc lấy thơ ca làm vũ khí đánh giặc. Nguyễn đình Chiểu cũng là người ham học, Ông cũng hun đúc rèn luyện con cháu trong gia đình giữ vững truyền thống yêu nước hiếu học, vì vậy người con gái của Ông là bà Sương Nguyệt Ánh, đã trở thành nhà báo nữ đầu tiên ở xứ ta.

Thời đại ngày nay, các lãnh tụ của đất nước cũng tiêu biểu cho sự học và say mê đọc sách. Tiêu biểu nhất cho tinh thần ấy, không ai khác mà chính là tấm gương Hồ Chí Minh. Bác Hồ, ngay từ thời niên thiếu đã khát khao hiểu biết, chính vì điều đó từ sớm Bác đã tìm đến sách. Có lẽ hiếm có người ham học như Bác. Quan niệm học của Bác về việc học cũng rất rõ ràng: “Học ở trường, học trong sách vở”, Bác không chỉ đọc sách chữ Quốc ngữ mà Bác còn đọc sách tiếng Hán, tiếng Pháp. Người cũng muốn truyền cảm hứng tư tưởng ham học, chịu đọc sách đến các đồng chí của Người. Trong bài nói chuyện với đảng viên lâu năm, ngày 9-12-1961, Người tâm sự: “ Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng phải học, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt lại mình phía sau”. Nhờ chịu khó học tập, thường xuyên đọc sách mà Bác trở thành lãnh tụ vĩ đại được nhân dân và cả thế giới hết lòng tôn kinh. Nhà nghiên cứu Vasiliep nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX, có thể sánh được Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Các nhà lãnh đạo đất nước hôm nay, mặc dù công việc bận rộn, nhưng cũng không ngừng đọc sách.

Ngày nay, nhiều người sợ rằng: Tuổi trẻ bây giờ ít đọc sách. Điều đó chỉ đúng một phần, mặc dù bận bịu với nhiều công việc khác nhau, nhưng lớp trẻ ngày nay không hề quay lưng với sách. Sách vẫn là người bạn, người thầy.