Thắng lợi kép

(NTO) Hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông - xuân 2015-2016, diện tích cây trồng bị thu hẹp, nhưng bù lại giá nông sản tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông - xuân 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước là 5.775ha; trong đó, cây lúa 2.645ha, cây màu 3.130ha. Mặc dù vậy, nhưng hiện tại, nông dân đang rất mừng khi lúa tăng lên “3 giá” so với vụ trước, năng suất cũng tăng. Anh Nguyễn Văn Trưởng (thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, Ninh Hải) cho hay: “Vụ lúa này năng suất đạt 8-9 tấn/ha, cao hơn vụ trước 2 tấn. Nông dân rất phấn khởi vì có một mùa vụ thắng lợi “kép”, vừa được mùa, vừa được giá”. Cũng theo anh Trưởng, thời điểm hiện nay, giá lúa tươi được thương lái mua tại ruộng là 4.500 đồng/kg, lúa phơi 1 nắng 4.700 đồng/kg, cao hơn vụ trước 300 đồng. Giá lúa tăng là do tâm lý của thương lái sợ hạn hán kéo dài nên đã mua dự trữ. Chủ đại lý lúa gạo Nguyễn Thị Vàng ở xã Tân Hải, cho biết: Những năm trước, tôi chỉ mua khoảng 100 tấn lúa/vụ, nhưng vụ này dự kiến sẽ mua thêm 20 tấn nữa. Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất vụ hè-thu, vì thế không có chuyện giá lúa xuống thấp trong thời gian tới.

 
Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước tưới sang trồng đậu xanh chịu hạn. Ảnh: Kim Thùy

Nguyên nhân giá lúa tăng là dễ hiểu, tuy nhiên yếu tố làm năng suất tăng mạnh cần thiết phân tích, rút kinh nghiệm để những vụ tới làm tốt hơn. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi mà cây trồng vẫn phát triển bình thường đó là nhờ có sự tác động tích cực của khâu kỹ thuật. Nhìn lại sản xuất vụ đông - xuân, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã tăng cường cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật về cơ sở phối hợp với các địa phương vận động nông dân áp dụng các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nhờ đó, ý thức của bà con có chuyển biến theo hướng chú trọng sử dụng giống xác nhận, thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm theo phương pháp “nông-lộ-phơi” là nguyên nhân chính dẫn đến một mùa vàng bội thu. Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, công tác chuyển đổi cây trồng cạn, nhất là đối với cây đậu xanh cũng đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Đến nay, nông dân cơ bản thu hoạch xong gần 1.000ha đậu xanh, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha đã chứng minh nhiều đồng đất trên địa bàn tỉnh phù hợp với loại cây trồng này.

Thắng lợi “kép” trong sản xuất vụ đông - xuân đã có tác động tích cực về mặt xã hội, môi trường. Kết quả thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn giải quyết được việc làm, tạo thu nhập cho người dân trong điều kiện hạn hán, thiếu nước. Việc chuyển đổi cũng góp phần chống hoang mạc hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ; đồng thời, luân canh cây trồng họ đậu trên đất lúa giúp cải tạo, tăng độ phì của đất. Tuy nhiên, cái được lớn nhất qua thực hiện chuyển đổi cây trồng, đó là thay đổi được tập quán canh tác cũ. Nông dân nhận ra rằng, để “sống chung với hạn” nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất một cách linh hoạt, không quá phụ thuộc vào cây lúa. Cái lợi từ chương trình liên kết bao tiêu sản phẩm cây trồng cạn ở vụ qua cũng giúp nông dân hiểu được khi tham gia kinh tế thị trường, nông nghiệp đứng trước áp lực cạnh tranh... Do đó, các hộ phải chủ động tham gia vào chuỗi liên kết với HTX, doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá thành sản phẩm.